Bất chấp những biến động lớn của nền kinh tế giữa cơn bão Covid-19, thị trường ngoại hối trong nước năm 2020 vẫn tiếp tục thể hiện được sự vững vàng với việc đồng VND đã có năm tăng giá thứ 2 liên tiếp so với USD.
Bước sang năm 2021, mặc dù vẫn còn những rủi ro phải đối mặt, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục kéo dài phong độ trong năm qua.
NĂM 2020: KHÔNG CÒN CHỈ LÀ "CON ĐƯỜNG MỘT CHIỀU"
Nếu như trong giai đoạn trước đây, việc VND mất giá khoảng 1-2% mỗi năm so với đồng USD được coi gần như một kịch bản "mặc định" đối với thị trường ngoại hối trong nước, thì tới năm nay chúng ta dường như sẽ phải dần quen với biến động theo cả hai chiều của tỷ giá USD/VND.
Tính trong cả năm 2020, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm khoảng 0,2% xuống mặt bằng khoảng 23.125 và cũng là năm thứ 2 liên tiếp VND tăng giá so với đồng USD.
Những cơn sóng cũng dần thưa thớt hơn để nhường chỗ cho sự ổn định khi ngoại trừ đợt tăng giá mạnh vào cuối tháng 3 do áp lực căng thẳng thanh khoản USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá trong nước chủ yếu bám sát các mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nguồn: Reuters và tác giả thu thập
Để đạt được kết quả tích cực trên, yếu tố quan trọng nhất vẫn đến từ sự vững vàng của nền tảng cân đối cung cầu trong nước.
Một mặt, nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì ở mức khá lạc quan bất chấp những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Covid-19. Điểm sáng của thị trường ngoại hối năm 2020 đến từ con số thặng dư cán cân thương mại kỷ lục ước khoảng 20 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2019. Điều này chủ yếu đến từ việc hoạt động nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh do nhu cầu đối với nguyên vật liệu sản xuất cũng như tiêu dùng trong nước đều suy yếu, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu lại được nâng đỡ bởi các nhóm hàng thế mạnh là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, và máy móc thiết bị với mức tăng trưởng đột biến khoảng 20-40%, chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ.
Mức thặng dư thương mại ấn tượng trên đã phần nào bù đắp cho sự sụt giảm của nguồn ngoại tệ từ hoạt động giải ngân vốn FDI và kiều hối trong xu hướng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Giải ngân vốn FDI cả năm đạt ước khoảng 19 tỷ USD, giảm khoảng 7% so với năm trước. Tổng lượng kiều hối cũng giảm từ mức 17 tỷ USD năm 2019 xuống còn 15,7 tỷ USD theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Mặt khác, việc Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát, hạn chế di chuyển tại biên giới nhằm kiểm soát dịch bệnh cũng khiến cho nhu cầu ngoại tệ dành cho các hoạt động du lịch, học tập, chữa bệnh… tại nước ngoài trở nên hạn chế hơn so với thời điểm trước đại dịch. Theo đó, cán cân cung cầu ngoại tệ trong nước duy trì mức thặng dư ước tính khoảng 10-12 tỷ USD, cao hơn mức trung bình khoảng 8 tỷ USD/năm của giai đoạn 2016-2018 và chỉ thấp hơn mức kỷ lục của năm 2019 là 18 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối quốc gia qua đó tiếp tục được bổ sung thêm khoảng 10 tỷ USD, lên mức kỷ lục mới ước khoảng trên 90 tỷ USD.
Nguồn: Reuters và tác giả thu thập, tính toán
Bên cạnh nội lực từ bên trong, xu hướng tăng giá của VND còn phần nào được hưởng lợi bởi xu hướng giảm giá mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay từ NHTW Mỹ - Fed như cắt giảm khẩn cấp 150 điểm lãi suất điều hành về sát mức 0% và triển khai chương trình mua tài sản với quy mô không giới hạn, đã khiến cho đồng USD chịu áp lực bán tháo do mất đi sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu. Chỉ số Dollar Index (DXY) theo đó đã giảm hơn 6% trong năm 2020.
Không chỉ có VND, hầu hết các đồng tiền chính khác cũng đều nằm trong xu hướng tăng giá so với đồng USD như EUR (+9,08), JPY (+3,8%), CNY (+5,84%), KRW (+5,54%)…
NĂM 2021: ỔN ĐỊNH VẪN SẼ CHIẾM ƯU THẾ
Trong xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong và ngoài nước sau cuộc khủng hoảng Covid-19, thị trường ngoại hối Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà ổn định trong năm 2021 và hoàn toàn có thể chứng kiến thêm một năm tăng giá nhẹ của VND so với USD nếu chưa xuất hiện những cú sốc ngoài dự kiến.
Đặt trong tương quan với năm 2020, dự báo phần lớn các yếu tố tác động chưa có nhiều thay đổi và cơ bản vẫn theo hướng hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá USD/VND.
Một mặt, cơn bão tiền USD giá rẻ tiếp tục chi phối thị trường tài chính toàn cầu khi xu thế nới lỏng chính sách tiền tệ là chưa thể đảo ngược tại các NHTW lớn, trong đó có Fed. Chỉ số DXY đang cho thấy khả năng sẽ kiểm định các ngưỡng chặn tiếp theo, gần nhất là 88 theo phân tích kỹ thuật, tương đương giảm thêm khoảng 2-3% so với hiện nay.
Mặt khác, quan trọng hơn, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm sáng đáng chú ý trên bản đồ kinh tế toàn cầu nhờ mức độ ổn định cao của kinh tế - chính trị - xã hội, sự cải thiện không ngừng của môi trường kinh doanh hay khả năng ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Đây chính là lợi thế lớn để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài qua các hình thức khác nhau như FDI, FII, kiều hối, vay nợ,…
Ngoài ra, với những thay đổi mang tính chất căn bản của nền kinh tế, trạng thái của cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư một cách vững vàng và kỳ vọng có thể đạt khoảng 13-15 tỷ USD trong 2021. Theo đó, dù nhu cầu ngoại tệ vãng lai có thể cân đối cung – cầu ngoại tệ dự báo tiếp tục có điều kiện thuận lợi để ghi nhận mức thặng dư 2 con số cho năm tới.
Vậy điều gì có thể làm nên sự khác biệt đáng chú ý trong bức tranh thị trường ngoại hối 2021?
Nhìn lại lịch sử trong khoảng 5 năm gần đây thì những biến động lớn của thị trường tài chính trong nước nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng thường xuất phát từ các cú sốc quốc tế (phá giá CNY năm 2015, bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, chiến tranh thương mại 2018,…) và không loại trừ điều tương tự có thể tái diễn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mâu thuẫn giữa các cường quốc lớn chưa có tín hiệu lắng dịu.
Bên cạnh đó, có một câu chuyện nội tại đang dành được sự quan tâm lớn và được đánh giá có khả năng tác động trực tiếp đến thị trường ngoại hối chính là việc "Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ". Vấn đề này đã mở ra những chiều hướng dịch chuyển mới cho tỷ giá USD/VND.
Ở kịch bản tích cực, giả định Việt Nam có thể đạt được kết quả thông qua đàm phán, đối thoại để phía Mỹ xem xét gỡ bỏ "nhãn thao túng tiền tệ" thì các diễn biến tiếp theo có thể là thặng dư thương mại song phương với Mỹ có phần giảm xuống, cân đối cung - cầu ngoại tệ tổng thể duy trì khả quan và VND có chiều hướng tăng giá so với USD.
Ở kịch bản tiêu cực hơn, phía Mỹ thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam như áp thuế hàng hóa xuất khẩu trên diện rộng thì hệ quả đi kèm có thể là thặng dự thương mại song phương co hẹp mạnh hơn, cân đối cung - cầu ngoại tệ tổng thể xấu đi và VND giảm giá trở lại so với USD.
Chúng tôi cho rằng xác suất xảy ra kịch bản tích cực là cao hơn khi Việt Nam vẫn đang nhận được sự ủng hộ của các định chế tài chính quốc tế như IMF cũng như đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, đang trong giai đoạn quan hệ ngoại giao tốt đẹp với phía Mỹ và chính sách của nước Mỹ dưới thời chính quyền tân Tổng thống Joe Biden cũng dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, có phần "ôn hòa hơn" trên trường quốc tế so với người tiền nhiệm ông Donald Trump.