Các nhà đầu tư lo lắng rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ sẽ khiến thứ gì đó trong nền kinh tế có thể sụp đổ. Tuần trước, dự đoán đó đã xảy ra. Hiện tại, các nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi: Liệu còn điều gì khác có thể xảy ra hay không?
Vào thứ sáu, Silicon Valley Bank (SVB) đã phải đóng cửa sau khi bị ảnh hưởng bởi việc rút tiền gửi, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Sự sụp đổ của SVB đã làm rung chuyển Phố Wall, làm gia tăng lo ngại rằng một năm với các điều kiện tài chính bị thắt chặt cuối cùng cũng ập đến với lĩnh vực tài chính và hơn thế nữa.
Sự sụp đổ của ngân hàng SVB, lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã khiến chỉ số S&P 500 giảm 3,3% trong hai ngày giao dịch cuối tuần. Các nhà đầu tư bắt đầu suy đoán về những gì các ngân hàng đang phát triển nhanh khác có thể bị ảnh hưởng và liệu những rắc rối có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) tạm dừng hoặc thậm chí dừng hẳn nỗ lực nhằm làm chậm lạm phát bằng cách tăng lãi suất hay không vốn kéo dài cả năm qua không.
Fredric Russell, giám đốc điều hành của Fredric E. Russell Investment Management Co. ở Tulsa, Okla, cho biết: “Tôi nghĩ đây có thể là vụ nổ đầu tiên”.
Vào thứ năm, các khách hàng đã rút 42 tỷ USD tiền gửi từ SVB, dẫn đến số dư tiền mặt của họ âm 958 triệu USD. Vào thứ tư, một hồ sơ công khai từ công ty đã cho thấy 169 tỷ USD tiền gửi và khoảng 180 tỷ đô la thanh khoản khả dụng để ngăn chặn các dòng tiền tiềm ẩn.
Các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng lớn nhất, được vốn hóa tốt hơn nhiều so với khi họ bước vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo lắng rằng những vấn đề hiện đang ảnh hưởng đến một số ngân hàng khu vực có thể ảnh hưởng đến toàn ngành.
Thêm vào tình huống căng thẳng này, giá một loại tiền số lớn đã giảm mạnh vào cuối tuần sau khi tiết lộ rằng công ty điều hành của nó, Circle Internet Financial Ltd., có 3,3 tỷ USD bị ràng buộc trong SVB.
Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm cho những người gửi tiền với số tiền mặt lên tới 250.000 USD tại ngân hàng. FDIC cho biết những người gửi tiền nhiều hơn số tiền đó tại SVB sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền nhận tiền đối với số dư không được bảo hiểm của họ, nghĩa là họ có thể không sớm nhận được hết số tiền của mình.
Bob Elliott, đồng sáng lập và giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Unlimited cho biết: “Câu hỏi lớn là liệu FDIC và Fed có giúp những người gửi tiền không được bảo hiểm toàn bộ hay ít nhất là gần như toàn bộ hay không. Nếu cách giải quyết của SVB Financial không được xử lý tốt, sẽ có rủi ro hệ thống là những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ bỏ chạy khỏi các ngân hàng nhỏ”.
Theo báo cáo thường niên của SVB Financial Group, tính đến cuối năm ngoái, SVB ước tính có khoảng 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm. Con số tương tự của FRC - một ngân hàng lớn khác trong khu vực là khoảng 120 tỷ USD và SB có khoảng 80 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm.
Sự sụp đổ của SVB không chỉ ảnh hưởng đến người gửi tiền và nhà đầu tư mà còn cả khách hàng của họ. Các doanh nghiệp được SVB tài trợ trong nhiều năm nay có vẻ rủi ro hơn. Chẳng hạn, cổ phiếu của công ty lắp đặt năng lượng mặt trời tại nhà Sunrun Inc. đã giảm 12% vào thứ sáu. Nền tảng phát trực tuyến Roku cho biết khoảng 487 triệu USD trong số 1,9 tỷ USD tiền mặt của họ đã để tại SVB. Roku cho biết trong một hồ sơ rằng họ không biết có thể thu hồi được bao nhiêu.
Parker Conrad, giám đốc điều hành của công ty, cho biết trên Twitter rằng công ty trả lương Ripple đã không thể hoàn thành một số đợt tính lương vào thứ sáu. Ông Conrad cho biết công ty đã chuyển hướng sang sử dụng dịch vụ của JPMorgan Chase & Co.
Có sự khác biệt lớn giữa tình trạng căng thẳng hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
SVB gặp rắc rối một phần do đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp được cơ quan bảo đảm, vốn đã giảm giá trị khi Fed tăng lãi suất.
Tuy nhiên, những trái phiếu đó về cơ bản được đảm bảo sẽ được hoàn trả đầy đủ khi đáo hạn, khiến chúng trở nên khác biệt so với các công cụ tín dụng phức tạp gắn liền với các khoản thế chấp rủi ro hơn đã khiến các tổ chức tài chính sụp đổ vào cuối những năm 2000.
Cuộc khủng hoảng tại SVB đã làm gián đoạn mối bận tâm của các nhà đầu tư với cuộc đấu tranh kéo dài hàng năm của Fed để kiểm soát lạm phát gia tăng. Tuần trước bắt đầu với việc các nhà đầu tư tập trung mạnh vào việc tăng lãi suất của Fed và lời nói của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội. Sau đó, vào cuối ngày thứ tư, một ngân hàng tập trung vào tiền số có tên Silvergate Capital Corp. cho biết họ sẽ tự nguyện đóng cửa và rồi SBV cho biết họ cần huy động tiền mặt khẩn cấp.
Các nhà đầu tư nhanh chóng lo ngại rằng các ngân hàng khác có thể dễ bị sụp đổ nhanh chóng tương tự. Chỉ số KBW Nasdaq Bank Index đã giảm 16% trong tuần, đây là hiệu suất tồi tệ nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Một số nhà đầu tư đã rất ngạc nhiên khi thấy SVB nhanh chóng chuyển từ tìm kiếm nguồn vốn bổ sung vào thứ tư sang trạng thái sụp đổ hoàn toàn vào thứ sáu.
“Điều này khiến tôi bị sốc”, Buzzy Geduld, giám đốc điều hành của quỹ phòng hộ Cougar Capital cho biết. “Tôi đã đoán rằng họ có thể huy động được số tiền mà họ cần, nhưng rõ ràng, khi nhìn sâu hơn, điều đó còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì mọi người dự đoán”.
Tuy nhiên, ông Geduld cho biết sự sụp đổ của SVB không làm thay đổi đáng kể quan điểm của ông về lĩnh vực ngân hàng, bởi vì những khó khăn của SVB bắt nguồn từ việc tiếp xúc cụ thể với các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.
“Chúng tôi vẫn thích các ngân hàng khu vực”, ông nói.
Một khía cạnh đáng lo ngại của sự sụp đổ của SVB là nhiều nhà phân tích đã không lường trước được điều đó sẽ xảy ra. Trong số 22 nhà phân tích về công ty, giá mục tiêu trung bình khuyến nghị là khoảng 262 USD một cổ phiếu. Và ngay trước khi tuyên bố sụp đổ và bị các nhà quản lý nắm quyền kiểm soát vào sáng thứ sáu, cổ phiếu của SVB đóng cửa vào hôm thứ 5 ở mức 106,04 USD/1 cổ phiếu.
Nguồn: WSJ