Phiên giao dịch 15/8 diễn ra không thực sự tích cực khi áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều đã khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm sâu. Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index mất gần 17 điểm (1,73%) xuống 961,37 điểm và đây cũng là phiên giảm sâu nhất kể từ nhịp hồi phục của thị trường cách đây tròn một tháng.
Việc giảm khá mạnh trong phiên vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại xu hướng hồi phục của thị trường đã chấm dứt. Dưới đây là những yếu tố đã tác động tới chứng khoán Việt Nam trong phiên 15/8, dẫn tới áp lực bán mạnh.
Cổ phiếu dầu khí thi nhau giảm sàn
Trong khoảng 2 tuần vừa qua, dầu khí là một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch nổi bật nhất thị trường với chuỗi tăng điểm liên tiếp và thu hút dòng tiền khá lớn từ giới đầu tư.
Việc cổ phiếu tăng mạnh bắt nguồn từ một vài nguyên nhân như (1) Giá dầu hồi phục; (2) Kết quả kinh doanh quý 2 của một số doanh nghiệp dầu khí cho thấy tín hiệu khả quan hơn; (3) Nhiều dự án dầu khí như Sao Vàng Đại Nguyệt, Lô B Ô Môn, Sư Tử Trắng…sẽ sớm triển khai, tạo ra nhiều việc làm cho các doanh nghiệp dầu khí và (4) PVN đã có văn bản trình Bộ Công thương về đề án tái cơ cấu tập đoàn, trong đó sẽ thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Những yếu tố kể trên đã hỗ trợ không nhỏ cho cổ phiếu dầu khí. Tuy vậy, trong phiên 15/8, áp lực chốt lời đã xuất hiện sau giai đoạn cổ phiếu tăng khá nóng. Bên cạnh đó, sự hoài nghi về kết quả kinh doanh, cũng như đà hồi phục của giá dầu Thế giới vẫn khá bấp bênh khiến nhóm cổ phiếu này bị bán mạnh, thậm chí PVS, PVD, PVC còn giảm sàn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chung.
PVS giảm sàn sau chuỗi ngày tăng nóng
Câu chuyện thoái vốn "mất thiêng"
Cùng với câu chuyện thoái vốn ngành dầu khí trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường cũng "nóng" lên với câu chuyện thoái vốn ngân hàng trong vài tuần gần đây. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng, trong đó sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại VietcomBank, VietinBank, BIDV có thể xuống tới 51%, cũng như sẽ tiến hành niêm yết ở nước ngoài đã giúp thị trường "dậy sóng".
Tuy nhiên, câu chuyện này đã "mất thiêng" trong phiên 15/8 và nhà đầu tư đã bán ra các mã liên quan đến câu chuyện này sau khi giá đã tăng khá tốt.
Một lý do ở đây có lẽ là thông tin việc bán vốn và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Petrolimex xuống 51% có thể lùi sang năm 2019 hoặc 2020. Thông tin này có vẻ đi ngược lại những thông tin về việc đẩy mạnh bán cổ phần nhà nước trong nửa cuối năm nay, từ đó dẫn tới áp lực chốt lời tăng mạnh trên thị trường.
Thị trường tăng nhưng thiếu đi dòng tiền ngoại
Khác với những con sóng tăng trước, nhịp hồi phục từ giữa tháng 7 tới nay của TTCK Việt Nam thiếu đi sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại. Tính từ 15/7 tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.600 tỷ đồng trên HoSE và đà tăng của thị trường chủ yếu đến từ dòng tiền nhà đầu tư trong nước. Thống kê quá khứ cho thấy thị trường thường chỉ tăng bền vững khi có sự phối hợp của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc khối ngoại bán ròng thời gian qua không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn là tình trạng chung của các thị trường mới nổi. Hiện tại, đồng USD vẫn tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác với chỉ số USD Index tăng lên mức 96,8 và tỷ giá USD tự do tiếp tục tăng lên 23.550-23.580 VND đã ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn ngoại cũng như tâm lý giới đầu tư nội.
Theo nhận định của CTCK HSC, phiên bán tháo bất ngờ vừa qua có vẻ đã khẳng định rằng những nhà đầu tư tích cực tham gia thị trường trong thời gian này chủ yếu là đầu tư ngắn hạn và sẵn sàng chốt lời khi có thể. Đây là đặc điểm của thị trường trong đó lực mua của khối ngoại không được chắc chắn. Việc thiếu lực mua vào ổn định của khối ngoại luôn là điểm yếu của đợt tăng gần đây và điểm yếu này đã bộc lộ trong phiên 15/8.