Một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ Trung Quốc đang diễn ra khi mà nhiều doanh nghiệp như Alibaba sử dụng hệ thống thanh toán bằng điện thoại di động rộng khắp của họ để phát triển các hệ thống không cần đến người điều khiển và giúp cho các cửa hàng bán lẻ truyền thống tiết kiệm chi phí nhân công.
Chuỗi nhà hàng Wufangzhai của Trung Quốc đã có lịch sử hoạt động 97 năm. Rất nhiều người Trung Quốc hay thích đến đây ăn trưa. Thế nhưng khác với nhiều năm trước, giờ đây hoạt động của nhà hàng trong chuỗi đã khác rất nhiều, người ta không còn thấy bóng dáng của nhân viên nữa.
Thay vào đó khách hàng tự nhìn vào điện thoại thông minh và sau đó đến đứng chờ tại một hàng khoảng 40 cái tủ khóa. Khi họ chạm vào màn hình điện thoại một lần nữa, tủ mở ra và họ nhận được đồ ăn còn nóng hổi của mình.
Wufangzhai đã mở lại nhà hàng vào tháng 1/2018 sau khi đưa ra hệ thống đặt món ăn tự động từ công ty con Koubei của Alibaba. Koubei cung cấp dịch vụ bổ sung cho các nhà hàng. Thực khách đặt hàng và trả tiền bằng mã QR thông qua ứng dụng của Alipay trên điện thoại di động. Họ cũng sẽ nhận được thông báo khi nào đồ ăn sẽ xong.
Trước đây nhà hàng có 13 nhân viên, giờ chỉ còn 6, chi phí lao động hàng năm đã giảm hơn nửa từ mức 600 nghìn nhân dân tệ tương đương 94.740 USD. Hiệu quả phục vụ khách hàng cao hơn cũng đã giúp số lượng khách đến nhà hàng đông hơn, doanh thu bán hàng tăng 40% từ khi hệ thống được đưa vào thực tế.
Nền hệ thống Koubei của Alibaba đã cung cấp hệ thống cho nhiều doanh nghiệp. Koubei mở hai điểm kinh doanh đồ ăn nhanh tại khu vực dịch vụ trên đường cao tốc tại tỉnh Chiết Giang và có kế hoạch sẽ mở thêm 10 nhà hàng không có nhân viên khác ví như tiệm bánh, nhà hàng lẩu tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến trong tháng này.
Đại diện Koubei cho biết họ sẽ mở rộng dựa theo nhu cầu của người tiêu dùng đối với từng loại hình kinh doanh và khu vực.
Cuộc đua để trở thành mô hình không nhân viên tại Trung Quốc bắt đầu nóng lên vào năm ngoái. Những “tay chơi” chính trong cuộc đua này ban đầu chủ yếu là những công ty mới, thế nhưng nhiều công ty quy mô lớn như JD.com hay Suning.com cũng đã nhảy vào lĩnh vực này.
Cửa hàng tiện lợi tự động và cửa hàng quần áo tự động tiếp tục mở cửa tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Trung Quốc giờ đây đã có khoảng 30.000 tiệm karaoke hoạt động không cần nhân viên.
Alibaba mới đây đã mở một trung tâm mua sắm bên cạnh trụ sở của tập đoàn ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, các quầy thanh toán ở đây đều không có nhân viên và chấp nhận ứng dụng Alipay.
Ngoài ra còn nhiều loại hình kinh doanh khác đang được hướng đến mục tiêu tự động hóa. Một cửa hàng ở Huangzhou có robot bán trà sữa với giá 10 nhân dân tệ/cốc, chỉ bằng 1/3 so với cửa hàng thông thường.
Khách sạn không có quầy lễ tân cũng đã được mở tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc. Khách đến nghỉ đặt phòng bằng việc gửi ảnh giấy tờ cá nhân trực tuyến và sau đó nhận phòng bằng việc dùng camera bên trong khách sạn.
Nhật cũng đang hy vọng sẽ phát triển được nhiều cửa hàng không có nhân viên để giải quyết tình trạng thiếu lao động, thế nhưng sự rộng khắp của công nghệ vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm nếu so với Trung Quốc. Lý do nằm ở việc tần suất sử dụng các hệ thống thanh toán bằng di động và kỳ vọng dịch vụ khách hàng mỗi nơi khác nhau.
Tổng quy mô thị trường thanh toán trên điện thoại di động tại Trung Quốc đạt tổng 39 nghìn nhân dân tệ trong năm 2016, theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường. Tại các thành phố ven biển, người ta có thể thanh toán bằng điện thoại di động thậm chí ở cả những quầy bán hàng dọc đường phố và chợ truyền thống. Nhiều người bán hàng rong thậm chí còn tỏ ra khó chịu nếu khách thanh toán bằng tiền mặt.