Trái với sự hứng khởi của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 13 nghìn tỷ đồng trên HoSE từ đầu năm tới nay. Con số bán ròng trên được ghi nhận là kỷ lục trong một quý và thậm chí gần bằng tổng lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (bán ròng 15.700 tỷ đồng).
Bất chấp việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới hay việc trở thành thị trường lớn nhất trong rổ Frontier Markets, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ giữa tháng 1 tới nay, khối ngoại đã có chuỗi 24 phiên bán ròng liên tiếp và chỉ được "hãm" lại trong phiên 25/3 nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến VIC những phút cuối phiên. Nếu như không có dòng vốn đổ mạnh vào các quỹ ETF như Diamond ETF, VNFinLead ETF, giá trị bán ròng từ đầu năm sẽ còn lớn hơn nhiều con số 13 nghìn tỷ.
Trong số các mã khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, HPG dẫn đầu danh sách với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là VNM (-3.876 tỷ đồng), CTG (-2.336 tỷ đồng), POW (-1.512 tỷ đồng)…
Điều gì khiến khối ngoại không ngừng bán ròng?
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng vốn rút ra được cho là đến từ các quỹ Hàn Quốc. Giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, Hàn Quốc đã có khoảng thời gian đổ mạnh vào thị trường Việt Nam nhưng hơn 3 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư Hàn Quốc đã rút ròng khá mạnh.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bán ròng của khối ngoại. Yếu tố đầu tiên là diễn biến dịch Covid-19 vẫn khá phức tạp khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Quý 1 cũng là thời điểm các quỹ đánh giá lại doanh nghiệp để xem tình hình hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại cũng gây ra những lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài. Lợi suất tăng dẫn đến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi và cận biên, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế. Theo số liệu của chuyên gia Yuanta, tính từ đầu năm 2021 đến nay chỉ có 3 thị trường tại châu Á được khối ngoại mua ròng là Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia.
Yếu tố tiếp theo dẫn đến việc khối ngoại bán ròng mạnh là việc dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang những thị trường lớn như như châu Âu và Mỹ do các quốc gia này phổ cập vaccine Covid-19 nhanh hơn. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh hàng đầu thế giới trong năm 2020, nhưng vì nhiều yếu tố khiến chúng ta chưa thể phổ cập vaccine như các quốc gia phát triển.
Ngoài ra, yếu tố nghẽn lệnh trên HoSE trong 4 tháng qua cũng được cho là nguyên nhân khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Ông Minh đánh giá mặc dù tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài so với thanh khoản thị trường chung ở mức thấp nhưng việc tỷ lệ sỡ hữu giảm dần sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành trụ cột chính nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng biến động rất mạnh và điều này khiến thị trường trở nên rủi ro hơn. Do đó, sẽ có không ít nhà đầu tư nước ngoài chọn đứng ngoài thị trường hoặc tìm kiếm các kênh đầu tư khác thay vì chứng khoán.
Dù vậy, ông Minh cho rằng hiện chưa có rủi ro lớn nào với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, dòng tiền tiền sẽ đổ vào những thị trường hồi phục nhanh đi kèm an toàn thay vì chấp nhận rủi ro. Đây cũng là lý do khiến dòng vốn ngoại chưa quay lại thị trường cận biên và mới nổi dù mức độ hồi phục có thể tương đương các nước phát triển.
Cũng theo chuyên gia Yuanta, chỉ khi thực kiểm soát được Covid-19 và nền kinh tế hồi phục trở lại thì dòng vốn nước ngoài mới xem xét trở lại các thị trường cận biên, mới nổi. Nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại mua ròng nếu đạt được 2 yếu tố là tăng trưởng GDP quý 1 và 2 được thể hiện rõ trong thời gian tới, cùng với dòng vốn ở một số quỹ lớn, chủ yếu là của Hàn Quốc cơ cấu xong danh mục.