Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF), công ty liên doanh giữa Ngân hàng Vietcombank và Tập đoàn đầu tư đa quốc gia Franklin Templeton Investments cho biết, hiện các quỹ nước ngoài đang đánh giá Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn, cộng với mức định giá thấp và hấp dẫn như hiện nay đã khiến dòng vốn từ các quỹ, đặc biệt là quỹ ngoại liên tục mua ròng trên thị trường…
BTV Mùi Khánh Ly: Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là bước sang năm 2023, bà đánh giá như thế nào về thị trường cổ phiếu trong một năm qua cũng như hoạt động chung của các quỹ?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc , CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF)
Có thể nói 2022 là một trong những năm có mức biến động mạnh nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau quý I, thị trường có sự tăng trưởng cũng khá ổn định nhưng thị trường đã giảm rất sâu trong quý II và sau đó có phục hồi nhưng rồi lại giảm sâu tiếp trong quý III, và tính đến cuối tuần trước thì thị trường đã giảm khoảng 30,5% từ đầu năm. Nếu không có quá nhiều thay đổi về điểm số thì năm 2022 sẽ là năm mà có mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau năm 2008 khi mà năm đó có mức giảm khoảng gần 67%. Còn nếu nói về mức độ biến động của thị trường, chúng ta sẽ thường nhìn về độ lệch chuẩn thì tính cho năm nay khoảng 25%, cũng là một trong những mức cao nhất trong lịch sử và nó chỉ thấp hơn năm 2001 cũng như là giai đoạn từ 2006 đến 2009. Như vậy có thể thấy là năm 2022 là năm vô cùng khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguyên nhân đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Chúng ta cũng thấy lạm phát là một vấn đề lớn trên toàn cầu. Và nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã phải tăng lãi suất tới 6 lần và với tổng cái mức tăng khoảng 3,75%, cao nhất trong vòng 40 năm qua. Và điều này gây áp lực lên các đồng nội tệ ở các nước khác, trong đó có đồng Việt Nam. Ở Việt Nam, ban đầu Ngân hàng Nhà nước đã bán dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, khi mà USD tiếp tục tăng giá thì Ngân Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá cũng như tăng lãi suất…Thêm nữa, Chính phủ cũng tăng cường siết chặt các kỷ cương ở trên thị trường vốn, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Việc nhà đầu tư bán ra trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu công với áp lực giải chấp margin trên thị trường… đã đẩy giá chứng khoán đi xuống và dẫn thị trường một vòng xoáy giảm giá. Tuy nhiên, gần đây chúng ta đã thấy có những dấu hiệu tích cực, khi mà nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh và cũng đã giúp thị trường có hồi phục trở lại.
Có thể kết luận, 2022 là một năm mà vô cùng biến động, với tình hình thị trường như vậy, các quỹ cũng không thể nào tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả các quỹ, thì hầu hết là các quỹ có mức giảm thấp hơn so với VN-Index, cho thấy việc đầu tư vào quỹ sẽ bớt rủi ro hơn bởi vì các quỹ thường nắm giữ một danh mục đầu tư đa dạng và kỹ lưỡng.
Còn trên thị trường trái phiếu, cơ quan quản lý cũng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt cho ra đời nghị định 65. Giai đoạn vừa qua các quỹ trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, bà đánh giá như thế nào về điều này?
Nói về thị trường trái phiếu, khi Nghị định 65 ra đời, chúng tôi và những người thực hiện dự thảo Nghị định 65 cũng có chung kỳ vọng là với những cái biện pháp thắt chặt như vậy sẽ giúp thúc đẩy việc phát hành trái phiếu ra công chúng, như vậy sẽ có nhiều trái phiếu niêm yết hơn để các quỹ trái phiếu mua vào. Tuy nhiên, trên thực tế sự kiện xảy ra ở Vạn Thịnh Phát hay một số vụ việc trước đó đã khiến nhà đầu tư đánh đồng việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với cả đầu tư vào các quỹ trái phiếu. Và khi họ hoảng hốt về vấn đề thanh khoản của trái phiếu, thì họ không những chỉ bán trái phiếu doanh nghiệp mà họ cũng bán cả các quỹ trái phiếu đi, dẫn đến là các quỹ trái phiếu đã phải bán chính những trái phiếu mà mình nắm giữ với một mức giá thấp để trả lại tiền cho nhà đầu tư, gây khó khăn cho cho các cái quỹ trái phiếu trong thời gian vừa qua. Trong cái giai đoạn vừa rồi, VCBF cũng làm nhiều hoạt động tuyên truyền, giải thích cho nhà đầu tư để nhà đầu tư hiểu hơn về các phương pháp quản lý tài sản cá nhân, hiểu về đầu tư dài hạn, lợi ích của đầu tư dài hạn. Chính vì vậy trong thời gian thị trường giảm, chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư bán đi rất ít. Và mức độ bán đi thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2018 - 2019. Tổng giá trị các quỹ bị rút ra của VCBF trong năm nay giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đó cũng là con số tích cực trong điều kiện thị trường khó khăn.
Còn về dài hạn, bản thân tôi thấy Nghị định 65 vẫn cần thiết để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào những trái phiếu phát hành ra công chúng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phát hành ra công chúng và niêm yết trái phiếu thay vì là phát hành riêng lẻ bởi vì điều đó sẽ giúp tăng tính minh bạch thông tin hơn. Trước đây, trái phiếu phát hành ra công chúng thường là tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với cả các cái trái phiếu phát hành riêng lẻ thì khi có nhiều công ty phát hành trái phiếu ra công chúng thì tỷ suất lợi nhuận của các quỹ trái phiếu sẽ được cải thiện tốt hơn.
VCBF đã có những biện pháp như thế nào để vượt qua “sóng gió” trong thời gian qua?
Với VCBF, trong bất kỳ điều kiện nào đối với đầu tư cổ phiếu thì đều dựa trên bốn triết lý. Thứ nhất là lựa chọn cổ phiếu, chúng tôi đang sử dụng phương pháp lựa chọn cổ phiếu dựa trên phân tích và định giá từng cổ phiếu. Chẳng hạn, chúng tôi nhận định là ngành ngân hàng tốt, nhưng mà chúng tôi vẫn phải định giá từng ngân hàng. Sau đó, nếu điều kiện kinh tế có xấu đi, và trong điều kiện khó khăn mà mức định giá bị cao hơn so với thị trường thì chúng tôi vẫn tiếp tục nắm giữ và sẽ không bán đi, kể cả có những biến động.
Triết lý đầu tư thứ hai là đầu tư dài hạn, chúng tôi sẽ không nhận định thị trường trong ngắn hạn mà chúng tôi xác định định giá của công ty ít nhất là trong vòng từ 3 đến 5 năm tới. Kể cả khi thị trường có khó khăn nhưng nếu mức giá trên thị trường vẫn thấp hơn mức định giá của công ty thì chúng tôi vẫn tiếp tục nắm giữ. Ví dụ như quỹ cổ phiếu hàng đầu – BCF, chúng tôi đã nắm giữ nhiều cổ phiếu suốt từ khi quỹ thành lập năm 2014 đến nay. Và một số những cổ phiếu thì đã có lợi nhuận rất tốt, ví dụ FPT tăng cũng khoảng 3,8 lần, hay như PNJ, chúng tôi mua khi công ty gặp khó khăn và giữ đến bây giờ đã tăng lên tới 8 lần, hoặc MBB chúng tôi cũng mua từ khi quỹ bắt đầu thành lập và đến bây giờ tăng cũng hơn 3 lần.
Một cái triết lý tiếp theo là chúng tôi thường sẽ đi trước thị trường và đi ngược đám đông. Ví dụ năm ngoái, khi mà các cổ phiếu chứng khoán tăng nhiều. Tuy nhiên, với mức P/B trên ba lần thì chúng tôi thấy đã rất cao. Và trong lúc thị trường vẫn say sưa thì chúng tôi đã đầu tư vào các cái công ty ở trong ngành lương thực, thực phẩm, là những ngành mà tăng trưởng thấp nhất trong năm ngoái. Ví dụ như Sabeco, Vinamilk hay Vĩnh Hoàn. Và năm nay, các công ty đó đã giữ cho danh mục của chúng tôi không bị giảm quá sâu. Và giai đoạn này khi mọi người vẫn còn đang rất lo lắng về về các cổ phiếu bất động sản thì chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, phân tích để tìm ra những cổ phiếu bất động sản tốt nhất và mức giá hợp lý nhất để chúng tôi đầu tư. Và một điểm cũng rất là quan trọng đó là chúng tôi duy trì một danh mục đa dạng. Đặc điểm chung của tất cả các quỹ - thường cũng phải nắm giữ khoảng 20, 30 cổ phiếu, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên là trong trường hợp của VCBF còn duy trì một danh mục đa dạng hơn, đã giúp cho danh mục giảm thiểu được rủi ro, đặc biệt là trong những điều kiện thị trường xấu như năm 2022 vừa rồi.
Với những triết lý đầu tư như vậy, năm 2022 kết quả của quỹ chúng tôi đạt khá tốt so với thị trường. Tính đến 7/12, quỹ cổ phiếu hàng đầu VCBF - BCF thì chỉ giảm có 16,4%, so với cả chỉ số tham chiếu của quỹ trên thị trường giảm là 35,1%. Hay quỹ cổ phiếu tăng trưởng MGF giảm 21,9%, nhưng so với chỉ số tham chiếu của quỹ là VN70 thì giảm tới 42,4%. Như vậy, mặc dù âm nhưng rõ ràng đã tạo ra một lợi nhuận vượt trội hơn so với các chỉ số tham chiếu từ 19-20 %.
Sau thời gian dài bán ròng thì trong 3 tháng cuối năm, các quỹ, đặc biệt là quỹ ngoại đã quay đầu liên tục mua vào trên thị trường Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về điều này?
Năm 2020 -2021 và cho đến tận đầu năm 2022, nước ngoài vẫn bán ròng ở thị trường Việt Nam. Và lý do chủ yếu vì lo lắng về dịch covid, và do thị trường đã tăng trong một thời gian dài khiến định giá không còn hấp dẫn. Sau khi thị trường giảm rất mạnh, nhà đầu tư đã liên tục mua ròng suốt từ tháng 10 đến nay, một phần là định giá thấp nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài thì quan trọng là họ nhìn vào triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đã nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất lạc quan về kinh tế, về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Và có đưa ra các lý do sau đây.
Thứ nhất, chúng ta có một cơ cấu dân số vàng, nghĩa là sẽ có hơn 2 người lao động cho một người phụ thuộc, thông thường cơ cấu dân số vàng này sẽ kéo dài khoảng 30 đến 35 năm.
Thứ hai là người dân được giáo dục rất tốt. Ngoài ra, một điểm cũng rất quan trọng, đó là tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cũng ở mức cao, khoảng 88%. Và khi các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam, ước tính đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất ở trên thế giới. Trong khi đó, chúng ta có dân số trẻ, mức độ ứng dụng công nghệ rất cao.
Còn nói về thị trường chứng khoán thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng là Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo một thống kê của giám đốc điều hành dịch vụ tài chính của J.P.Morgan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì có khoảng 5 tỷ USD ở các quỹ ETF sẽ đổ vào Việt Nam. Và chính vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ nhìn nhận bây giờ là giai đoạn định giá thấp thì họ coi đây là một cơ hội rất tốt để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ví dụ như quỹ Templeton Frontier Markets Fund chẳng hạn, bây giờ họ đã và đang phân bổ ở Việt Nam cao hơn so với chỉ số tham chiếu của họ khoảng hơn 10%.
Vậy ở góc nhìn của quỹ thì thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ như thế nào?
VCBF cũng đồng quan điểm với các nhà đầu tư nước ngoài là triển vọng kinh tế Việt Nam về mặt dài hạn rất sáng. Còn nói riêng về năm 2023 sẽ có một vài yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế mà chúng ta cần phải theo dõi.
Thứ nhất, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ rõ ràng chưa kết thúc. Và một số kỳ vọng kết thúc trong quý I năm 2023, tôi cũng hy vọng là sẽ kết thúc trong năm 2023, nhưng với mức đỉnh lãi suất có thể là phải lên đến khoảng 4,8 đến 5%. Thứ hai, đó là chính sách Zero-Covid của Trung Quốc thì liệu là Trung Quốc có mở cửa trong năm 2023 hay không? Nếu mà Trung Quốc mở ra rõ ràng sẽ có cầu tăng đột biến, cả về du lịch, cả về hàng hóa. Nó có thể đẩy giá cả của các loại hàng hóa tăng lên và cũng có thể làm cho áp lực kiểm soát lạm phát đối với Mỹ sẽ cao hơn. Một điểm nữa, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng chưa biết sẽ kết thúc như thế nào, và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng ra sao?
Còn đối với Việt Nam, kinh tế của chúng ta có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm ở các nước, do kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ cũng sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc mở cửa thì có thể nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên, tích cực đối với Việt Nam, đặc biệt là du lịch khi khách du lịch từ Trung Quốc vào Việt Nam, trước Covid chiếm tới khoảng 1/3 tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một điểm tích cực khác là giải ngân FDI năm 2022 thì vẫn rất tích cực, đạt khoảng 19,7 tỷ USD trong vòng 11 tháng.
Tôi cũng hy vọng với những động thái rất quyết liệt của Chính phủ thì năm sau đầu tư công sẽ là một trong những yếu tố vừa là giúp cho tăng trưởng kinh tế, vừa là giúp tăng cung tiền ở trong nền kinh tế và giúp cho thanh khoản ở trên thị trường ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn những áp lực về lạm phát vì giá điện của chúng ta đã ổn định khoảng 3 năm nay rồi, cũng chưa điều chỉnh nên áp lực điều chỉnh giá điện cũng khá là cao. Bên cạnh đó, chi phí giáo dục năm sau có thể phải tăng học phí cũng có thể gây áp lực lên lên lạm phát, rồi lương cơ bản tăng…
Với thị trường, việc dự báo không dễ. Chúng ta không thể đo lường, hay là đánh giá tâm lý của tất cả những thành viên tham gia thị trường để xem thị trường sẽ tăng hay giảm được. Nhưng điểm rất tích cực đó là định giá thị trường bây giờ vẫn còn thấp, kể cả khi nó đã phục hồi rồi thì mức định giá vẫn đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử. Và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo trong năm sau dù có hạ nhiệt, chỉ còn khoảng 14%, nhưng vẫn là tăng trưởng, và khi lợi nhuận vẫn tăng trưởng và chỉ số định giá thấp thì rõ ràng vẫn rất hấp dẫn trong dài hạn.
Còn với nhà đầu tư thì nên có chiến lược như thế nào trong năm 2023?
Nhà đầu tư cá nhân, mỗi người sẽ có một chiến lược đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư nếu không có thời gian cũng như chưa bao giờ biết doanh nghiệp hay tình hình tài chính, báo cáo tài chính của doanh nghiệp như thế nào thì chúng ta cần chuyên nghiệp hoạt động đầu tư và có những kế hoạch tài chính cho mình, và không nên cố gắng dự đoán thị trường tăng hay giảm để đầu tư. Bởi vì khi đoán, cũng có thể chúng ta dự đoán đúng thị trường giảm và bán đi. Và thực tế khi nó giảm thì chúng ta sẽ thấy là còn rất nhiều các yếu tố xấu nên chúng ta sẽ không mua lại. Và khi thị trường tăng lên thì chúng ta lại nghi ngờ là thị trường vẫn còn nhiều yếu tố xấu như thế thì làm sao đã lên được. Và khi nó đã tăng, thậm chí vượt mức giá chúng ta bán thì chúng ta lại mất cơ hội nắm giữ để tạo ra lợi nhuận trong dài hạn. Nếu dự đoán sẽ dẫn đến các hành vi như vậy, nên tốt nhất chúng ta nên kỷ luật và kiên trì trong đầu tư, cũng như nên thuê các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư cho chúng ta thông qua việc đầu tư vào các quỹ. Và bản thân VCBF hay các công ty quản lý quỹ cũng đã đưa ra rất nhiều những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng đầu tư.