Việt Nam đang trong hoàn cảnh nào?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước khi nhìn đến cơ hội, thách thức của nội tại, cần nhìn rộng ra bối cảnh toàn cầu.
Thế giới đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị, các cuộc cạnh tranh chiến lược và một trật tự thế giới mới. Những vấn đề như toàn cầu hoá, chủ nghĩa dân tộc đang liên tục được các quốc gia bàn thảo, tranh cãi khiến thế giới đang chuyển biến rất khác.
Thêm vào đó, nhân loại cũng đang đứng trước những ngưỡng cửa về công nghệ, về biến đổi môi trường thiên nhiên, xã hội...
Là một nước có độ mở kinh tế lớn, lên đến hơn 200% GDP, có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 quốc gia trên thế giới, hiển nhiên, tác động của bên ngoài với Việt Nam là không tránh được, theo bà Lan.
"Nó hàm nghĩa chúng ta đang sống trong một môi trường khó khăn nhưng rất năng động", bà Lan nói. "Việt Nam có nhiều tiềm năng để đi lên nhưng cũng đồng thời có những rủi ro lớn không kém".
Mấu chốt của thành công cho Việt Nam
Có 3 khía cạnh cần quan tâm để Việt Nam thành công, bà Lan cho biết. Thứ nhất là khả năng ứng phó. Theo bà, trong một thế giới nhiều biến động, các Chính phủ đều phải tính đến cách làm thế nào để đất nước có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện đó.
"Với nền kinh tế còn tương đối nhỏ như Việt Nam, cần tính đến việc làm thế nào hấp thụ các cú sốc nhưng đồng thời phải hồi phục được, chứ không phải hấp thụ rồi biến nó thành cú sốc trong nền kinh tế của mình", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Thứ hai là việc đa dạng hoá các động lực cho tăng trưởng. Các động lực tăng trưởng của Việt Nam trước đó đến nay đã cạn kiệt, do vậy, cần phải tìm những cú huých mới cho nền kinh tế.
Cuối cùng là tính linh hoạt, năng lực xuyên suốt theo 2 chiều: từ trên (Chính phủ) xuống dưới và ngược lại. Nếu chỉ là một chiều, thì sự thay đổi chung của cả nền kinh tế sẽ rất chật vật, bà Lan nhận định.
Trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề khác cũng sẽ xuất hiện mà tại đó, năng lực hỗ trợ các mặt an sinh xã hội sẽ là một trong những điều cần bàn thảo nhiều, mà như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng lưu ý: Không để ai bị bỏ lại phía sau.
5 cơ hội chủ yếu cho Việt Nam để đạt được khát vọng
Thứ nhất, từ bối cảnh quốc tế, hội nhập của Việt Nam có thể thấy Việt Nam đã có hầu hết FTA với các nền kinh tế quan trọng như hiệp định AEC, CPTPP, EVFTA, RCEP và tương lai là FTAAP.
Những hiệp định này giúp cho Việt Nam thu hút được đầu tư, xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm yếu ở đây là những dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng khi tập trung vào các lĩnh vực khai thác, gia công. Yếu tố chuyển giao công nghệ hiện đang hạn chế và phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thứ hai là những sáng tạo công nghệ, kinh doanh toàn cầu đang tạo ra các cơ hội, thách thức cho đất nước. "Hiện chúng ta đang rất cố gắng để chuyển sang kinh tế số", bà Lan nói.
Thứ ba, Việt Nam đang hiện diện trong một châu Á năng động, đóng góp ngày càng lớn vào GDP, thương mại toàn cầu với dòng chảy vốn và đầu tư to lớn.
Thứ tư, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Các dự báo đều cho thấy đến năm 2035, một nửa dân số Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp này, theo tiêu chuẩn toàn cầu. Bà Lan nhận định: Sự phát triển của tầng lớp trung lưu không chỉ tạo nên một mặt bằng tiêu dùng cao hơn mà quan trọng nhất chính là một thế hệ được đào tạo tốt, bài bản, dẫn dắt làm thay đổi bức tranh kinh tế, xã hội.
Thứ năm là làn sóng hiện đại hoá kinh tế sẽ mang lại những cơ hội lớn nhất với khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng chủ chốt, tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng.
Để nắm bắt được những cơ hội này, theo bà Lan, Việt Nam cần có 6 bước chuyển đổi, gồm: Hiện đại hoá nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hoá, tăng cường kết nối giữa thành phố và các vùng khác; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hoà nhập xã hội cho các nhóm yếu thế, phát triển xã hội trung lưu; Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập.