Ông Bernanke, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), đôi khi sử dụng cụm từ "máy bay trực thăng thả một núi tiền" hay "tiền trực thăng" để nhấn mạnh cho yếu tố không gây tổn hại này khi bơm tiền vào nền kinh tế. Điều này đã khiến ông có biệt danh "Ben trực thăng" (Helicopter Ben) trong suốt nhiệm kỳ với tư cách là thành viên và chủ tịch FED.
Cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke
Một lần, ông Bernanke nhắc đến "tiền trực thăng" trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ các nhà kinh tế quốc gia về các biện pháp có thể được sử dụng để chống giảm phát.
Trong bài phát biểu đó, ông đã định nghĩa giảm phát là tác dụng phụ của sự sụt giảm mạnh tổng cầu, hoặc sự cắt giảm nghiêm trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng khiến các nhà sản xuất phải liên tục giảm giá để có người mua hàng.
Ông cũng cho rằng, hiệu quả của chính sách chống giảm phát có thể được tăng cường nhờ sự hợp tác giữa các cơ quan tài chính và tiền tệ, và cho rằng việc cắt giảm thuế trên diện rộng là "về bản chất cũng giống như biện pháp tiền trực thăng nổi tiếng của Milton Friedman".
Những người chỉ trích Bernanke sau đó đã sử dụng câu nói này để chê bai các chính sách kinh tế của ông, nhưng họ đã buộc phải im lặng bởi cách xử lý khéo léo của Bernanke đối với nền kinh tế Mỹ trong và sau cuộc Đại Suy thoái 2008 - 2009.
Quay lại thuật ngữ "tiền trực thăng", đây vốn là một phần trong nghiên cứu của Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, ông Milton Friedman. Nhà kinh tế Milton Friedman gợi ý rằng, chúng ta thử suy ngẫm xem điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc máy bay trực thăng bay vòng quanh một quốc gia và liên tục thả tiền xuống?
Giáo sư Milton Friedman
Một người, với cách hiểu đơn giản về thuyết số lượng tiền tệ, sẽ dự đoán rằng hệ quả ngay lập tức là giá của mọi mặt hàng trong quốc gia đó sẽ tăng gấp đôi, nhưng số lượng hàng hóa được trao đổi thì sẽ giữ nguyên.
Theo đó, lúc mọi người thức dậy vào sáng thứ Tư, khi chiếc máy bay đã hoàn thành nhiệm vụ trong đêm thứ Ba, giá của một cốc cà phê là 40 nghìn trong thứ Ba sẽ trở thành 80 nghìn vào thứ Tư.
Thực chất, thuyết số lượng tiền tệ phức tạp hơn như vậy rất nhiều. Mặc dù thuyết này nói rằng, trong dài hạn tiền sẽ không có tác động gì nhiều đến tỷ lệ thất nghiệp, hay sản lượng hàng hoá, nhưng trong ngắn hạn, thuyết này không dám khẳng định điều đó, do những kết quả ngoài thực tế đã chứng minh ngược lại. Trên thực tế, việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế cần thời gian để nhìn ra được những hệ quả đầu tiên.
Đến tận ngày nay, vẫn luôn tồn tại một cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Thuyết về cân bằng tổng quát và Thuyết số lượng tiền tệ trong giới chuyên gia kinh tế. Thuyết cân bằng tổng quát dự đoán rằng, giá tương đối sẽ được điều chỉnh ngay lập tức để cung và cầu của mọi hàng hóa có thể tiến đến điểm cân bằng.
Thuyết số lượng tiền tệ lại dự đoán rằng, mức giá chung trên thị trường sẽ tỷ lệ thuận với số lượng tiền dự trữ, nhưng khi tiền được bơm thêm vào nền kinh tế, giá cả sẽ không thay đổi ngay lập tức.
Vì thế, trong khoảng thời gian chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, dự đoán của Thuyết cân bằng tổng quát và Thuyết số lượng tiền tệ sẽ không thể cùng đúng. Các nhà kinh tế thống nhất rằng, sự khác biệt giữa hai lý thuyết này là do hệ quả của việc tồn tại ma sát kinh tế.