Hợp đồng dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 5/2020 vừa đáo hạn trong phiên 20/4/2020. Ở phiên này, có thời điểm làn sóng bán tháo mạnh đến mức đẩy giá xuống âm 40 USD/thùng. Sau đó giá đã hồi phục nhẹ nhưng vẫn kết thúc phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, giảm khoảng 305% (tương đương 55,90 USD/thùng) so với phiên trước đó, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất của hợp đồng này kể từ khi dầu WTI được đưa lên sàn vào năm 1983.
Dầu Brent trên sàn London cũng giảm trong phiên vừa qua, nhưng loại dầu này có đặc điểm khác với WTI là được chứa ở nhiều nơi trên thế giới nên mức giảm ít hơn. Brent kỳ hạn giao tháng 5/2020 kết thúc phiên vừa qua giảm 2,51 USD (9%) xuống 25,57 USD/thùng.
Theo Bloomberg, nguyên nhân là vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các nền kinh tế thế giới, có quá nhiều dầu không được sử dụng và các công ty năng lượng Mỹ đã hết chỗ chứa dầu. Giới phân tích cảnh báo các kho chứa dầu thô sẽ tràn vào tháng tới và các công ty Mỹ đang cân nhắc khả năng ngưng sản xuất.
Trong khi đó, đài Al Jazeera cho biết mức giá âm là dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch sẽ phải trả tiền để đưa bớt dầu ra khỏi tay họ khi nguồn cung thừa thãi đang thử thách năng lực kho chứa.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại công ty Rystad Energy, bình luận, "Dầu thô WTI không còn bất kỳ nơi đâu để đi. Các nhà giao dịch có cả tháng để xử lý số dầu này và quyết định nên làm gì. Hôm nay là ngày cuối cùng họ có thể bán".
Theo oilprice.com, lý giải cho những "con số điên rồ" này, mức âm sâu không thuộc hợp đồng kỳ hạn dầu tháng 5 và sẽ hết hạn trong tuần này. Sự sụp đổ giá dầu là phản ánh của các thương nhân khi họ từ bỏ hợp đồng tháng 5 để chuyển sang tháng 6. Các nhà phân tích cho rằng hợp đồng ký hạn dầu tháng 6 vẫn giao dịch ở quanh mức 20 USD/thùng, giảm so với phiên trước nhưng đây là mức giá quan trọng cần theo dõi.
Tuy nhiên, thật khó để có thể bỏ qua những con số lịch sử nhấp nháy trên màn hình. Khi hợp đồng tương lai hết hạn, nhà đầu tư sẽ phải đối chiếu với thực tế thị trường vật chất để ra quyết định. Giá dầu đã âm là phản ứng của nhà đầu tư trước việc dầu vật chất ở Oklahoma và Texas quá nhiều. Tuần trước, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử với lộ trình dài có thể đến năm tới, nhưng kế hoạch này bắt đầu từ tháng 5 chứ không phải cho tháng 4. Trong mọi trường hợp, lượng dầu cắt giảm cũng không bù đắp được sự sụt giảm nhu cầu dầu.
Kết quả thật tồi tệ và không ai muốn nhận dầu WTI trong tháng 5 khi khả năng dự trữ dầu đã tới hạn ở một số nơi, các thương nhân đã buộc phải đẩy hợp đồng ra với mức chiết khấu "điên rồ". Sự hủy diệt đối với giá dầu WTI trong ngày hôm nay chắc chắn đến từ những nguồn tác động quy mô lớn, phần lớn những người hốt hoảng trước hợp đồng tương lai WTI tháng 5/2020 hết hạn và nỗi sợ không thể lưu trữ.
Diễn biến này có thể nhanh chóng bị lãng quên, khi các thương nhân chuyển sang theo dõi sát sao giá hợp đồng WTI tháng 6, hiện giao dịch ở quanh mức 20 USD/thùng. Nhưng, ngay cả với giá 20 USD cũng không thể giúp các công ty dầu mỏ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài.
Hơn nữa, không có lý do để nghĩ rằng mức 20 USD mỗi thùng đã là giá sàn.
Olivier Le Peuch, giám đốc điều hành Schlumberger, công ty dịch vụ dầu khí đứng đầu thế giới, cho biết vào tuần trước, quý II/2020 có thể là quý không chắc chắn và biến động nhất mà ngành công nghiệp năng lượng từng chứng kiến.
Halliburton, công ty dịch vụ mỏ dầu lớn thứ hai thế giới hoạt động tại hơn 70 quốc gia, cũng đưa ra một triển vọng "nghiệt ngã" cho thị trường dầu mỏ. Giám đốc điều hành Jeff Miller cho biết, hoạt động khai thác tại Bắc Mỹ sẽ giảm mạnh trong quý II và kéo dài tình trạng suy giảm sản lượng cho đến hết năm. Halliburton đã báo cáo lỗ ròng 1 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay.
Thị trường nhiên liệu đang tiếp tục chịu sự chi phối của đại dịch Covid-19 khi hàng tỷ người đang thực hiện lệnh giãn cách và tác động xấu đến thị trường tiếp tục kéo dài. Chẳng hạn như nhu cầu nhiên liệu đối với ngành đường bộ ở Ấn Độ đã giảm 50%.
Các nhà phân tích đã nhiều lần sửa đổi dự báo với dầu mỏ với sự thừa nhận ngày càng tăng rằng cú sốc đối với nhu cầu sẽ kéo dài hơn dự kiến trước đó. Trong tháng 4, ít nhất nhu cầu sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày. Dù mức giá âm của hợp đồng kỳ hạn dầu tháng 5 có tình tiết giảm nhẹ nhưng trên thực tế vẫn có rất ít khả năng nhu cầu dầu sẽ sớm trở lại mức 100 triệu thùng/ngày.
Mark Lewis, người đứng đầu toàn cầu về nghiên cứu bền vững tại BNP Paribas Asset Management cho rằng, "có thể chúng ta đã chứng kiến đỉnh cao vĩnh viễn về nhu cầu dầu mỏ vừa đi qua. Thiết bị dùng điện hiệu quả hơn và thói quen tiêu dùng thay đổi trong đại dịch sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu trong tương lai".