Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố BCTC kiểm toán 2020, trong đó các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận không thay đổi so với báo cáo tự lập. Chi tiết, Công ty đạt doanh thu thuần 1.369 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá giảm sâu thúc đẩy tăng lợi nhuận gộp lên mức 547 tỷ đồng, biên cũng cải thiện đáng kể. Khấu trừ chi phí, IMP báo lãi trước thuế 255,4 tỷ đồng, suýt soát chỉ tiêu được giao, lợi nhuận sau thuế đạt gần 210 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với năm 2019.
Là một trong những doanh nghiệp trong nước tiên phong trong đấu thầu thuốc nhóm 2. So với các doanh nghiệp dược trong nước, năm qua IMP chiếm thị phần đấu thầu nhóm 2 lớn nhất, vào khoảng 23,5% tổng giá trị đấu thầu thuốc nhóm 2, tăng từ mức 9% của năm 2019.
Năm 2020, các sản phẩm Công ty được sản xuất ở các dây chuyền EU-GMP đã thắng thầu liên tục trong nhóm 2 kênh ETC, đạt mức 426 tỷ (so với con số25 tỷ trong năm 2019). Tổng hợp kết quả đầu thầu trên Cổng thông tin đấu thầu quốc gia, lũy kế cả năm 2020, IMP đã trúng thầu 555 tỷ (tăng 393%) trên kênh ETC, ghi nhận bởi giới phân tích.
Song song, các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP cũng đang góp phần củng cố vị thế cạnh tranh của IMP. Bên cạnh việc gia tăng khả năng đấu thầu thuốc giá trị cao, việc tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung khai thác những mặt hàng có biên lợi nhuận cao, đặc biệt của các nhà máy EU-GMP đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của IMP.
Trong đó, dự kiến nhà máy IMP 4 sẽ chính thức được công nhận tiêu chuẩn EU-GMP trong năm 2021. Do tác động của dịch Covid-19, tiến độ xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy IMP4 đã bị đình trệ từ từ giữa năm ngoái.
Trên thị trường, thị giá IMP đang có bước đi nhanh với mức tăng gần 2 lần từ cuối năm 2020. Hiên, IMP đang giao dịch tại mức đỉnh cao nhất mọi thời kỳ với 72.100 đồng/cp.
Dù chỉ số kinh doanh tăng trưởng, năm 2020 IMP lại điều chỉnh lương thưởng cán bộ chủ chốt, từ mức 14,7 tỷ về mức 13,4 tỷ đồng. Trong đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trần Thị Đào nhận gần 3,5 tỷ đồng thu nhập sau thuế trong năm qua.
Báo cáo của FPT cho biết vị trí CEO của tập đoàn này cũng mức lương tương đương, đạt 3,52 tỷ đồng trong năm 2020 dù quy mô của 2 doanh nghiệp này rất khác nhau. Imexpharm có hơn 1.200 nhân viên với LNTT năm 2020 đạt 250 tỷ đồng còn FPT có hơn 30.000 nhân viên với LNTT đạt gần 5.300 tỷ đồng.
Tuy vậy nhiều khả năng con số thu nhập trên của CEO FPT là thu nhập trước thuế, nếu trừ đi thuế sẽ thấp hơn khá nhiều so với người đồng cấp tại Imexpharm. Nhưng bù lại, CEO FPT được nhận lượng cổ phiếu ESOP có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Thu nhập của ban lãnh đạo Imexpharm
Lương của ban lãnh đạo FPT