Trong năm 2019, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019 và căn cứ các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, Chính phủ quyết tâm điều hành giá nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3% đến 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6-1,8%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
Phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảo việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra theo nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong việc điều hành giá những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm.
Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Đối với việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... các Bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.