Trong năm 2018, Chính phủ đã có những nỗ lực nghiêm túc trong việc duy trì động lực tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam trong năm 2018 được hưởng nhiều thuận lợi từ điều kiện của khu vực và thế giới. Đặc biệt, cuộc "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung đã đem lại một số kết quả tốt hơn kỳ vọng cho thương mại quốc tế và dòng đầu tư vào Việt Nam.
Như dự báo của chúng tôi đầu năm, đồng nhân dân tệ yếu đi đã giúp Việt Nam có cơ hội nhập được nhiều nguyên liệu truyền thống với giá rẻ hơn từ Trung Quốc, trong khi thị trường xuất khẩu sang Mỹ lại bớt được sức ép cạnh tranh về giá từ Trung Quốc do họ bị áp đặt thuế quan. Chính sách tỷ giá mềm dẻo của Việt Nam đã giúp chúng ta duy trì được lợi thế từ cả hai đầu. Do đó, năm nay Việt Nam có xuất siêu vượt bậc, giúp cải thiện tổng cầu và do đó đạt được tăng trưởng GDP cao hơn kỳ vọng.
PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR. Ảnh: VEPR.
Thêm vào đó, đà hồi phục tăng trưởng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2013 tới nay vẫn liên tục được củng cố, phát huy, bây giờ đang trở thành một quán tính mạnh mẽ. Đồng thời, Chính phủ vẫn chú trọng ý thức sắp xếp lại bộ máy của một số bộ lớn, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để hoạt động sản xuất và thương mại diễn ra thuận lợi hơn.
Chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, uyển chuyển, để không gây ra sự xáo trộn nào về về kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất và các điều kiện khác trong hệ thống ngân hàng - tài chính. Đây là những đặc điểm cho thấy Chính phủ đang hoạt động hiệu quả. Điều này cần được duy trì và phát huy nhiều hơn nữa, nhất quán hơn nữa trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Về sự cam kết “bứt phá” của Chính phủ năm 2019, đó là một tín hiệu đáng mừng khi Chính phủ bộc lộ tinh thần này. Để thực sự biến lời nói thành hành động, Chính phủ cần có những đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt có những bước tiến mới trong cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã bước vào giai đoạn kiện toàn bộ máy, thì năm 2019 sẽ cần bộc lộ được năng lực của mình trong việc sắp xếp lại và nâng hiệu quả của các doanh nghiệp - tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Việc chi thường xuyên của Chính phủ cũng cần phải bứt phá theo hướng tiết giảm chi tiêu mà vẫn tăng hiệu quả phục vụ. Chi đầu tư cần thận trọng và đúng đắn, giải ngân kịp thời, dứt khoát các công trình trọng điểm, nhằm thực sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Đó là những điều mà người dân trông đợi ở một Chính phủ hiệu quả và có mong muốn bứt phá trong thời gian tới.