Với những biến động không mấy tích cực của kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tác động không hề nhỏ. Những phiên giao dịch gần đây, thị trường trong nước liên tục đi xuống, giảm giá mạnh.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 3/10, toàn sàn có đền gần 800 mã giảm giá, trong đó, có đến gần 200 mã cổ phiếu giảm sàn, chỉ có 176 mã cổ phiếu tăng giá. Trong 36 phiên giao dịch vào thứ hai kể từ đầu năm đến nay, thị trường đã giảm tới 25 phiên và chỉ có 11 phiên tăng.
Kết phiên, VN-Index giảm 45,67 điểm (4,03%) xuống còn 1.086,44 điểm. HNX-Index giảm 12,08 điểm (4,83%) xuống còn 238,17 điểm. UPCoM-Index giảm 2,2 điểm (2,59%) xuống còn 82,76 điểm. Với việc giảm giá này, chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 3/10.
Phiên giảm điểm này cũng đã khiến cho một số mã cổ phiếu xuống thấp không tưởng. Trong đó có HPG của Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cổ phiếu của Hòa Phát giảm sàn 6,8%, tương đương 1.450 đồng mỗi cổ phiếu, xuống còn 19.750 đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp mã cổ phiếu này giảm. Chỉ trong 4 phiên, HPG đã mất 2.950 đồng mỗi cổ phiếu.
Điều đáng nói là, mức giá này là mức thấp nhất trong vòng 22 tháng (tính theo giá điều chỉnh) của mã cổ phiếu này. Còn trên thực tế, HPG có mức giá 1x là kể từ tháng 4/2020. Như vậy, thực tế thì đây là giá thấp nhấp của cổ phiếu thép do ông Long làm chủ trong vòng 30 tháng.
Biến động giá cổ phiếu HPG trong 1 năm qua. Nguồn: Cafef.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm từ mức 46.750 đồng được thiết lập hôm 4/1 xuống còn 19.750 đồng, tương đương mất gần 60% giá trị chỉ trong 9 tháng. Còn nếu so với thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu này, giao dịch quanh mốc 68.000 đồng/cổ phiếu thì mã này đã "bốc hơi" đến hơn 70% thị giá.
Trong cơ cấu cổ đông của Hòa Phát, chủ tịch Trần Đình Long đã sở hữu hơn 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 26,08% vốn điều lệ doanh nghiệp này. Việc HPG giảm giá trong phiên 3/10 khiến vị tỷ phú "bay hơi" gần 2.200 tỷ đồng.
Trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt, ông Long đã bị tụt xuống vị trí thứ 4 với tài sản ước tính đạt 33.966 tỷ đồng. Con số này đã giảm 20.150 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, quý 2 vừa qua là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 2 năm trở lại đây đối với Hòa Phát.
Trong quý 2/2022, Hòa Phát đạt doanh thu 37.714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.
Trong quý 2, mặc dù thị trường nguyên liệu trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga - Ucraina nhưng sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng đạt 1,8 triệu tấn, trong đó có gần 380.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu. Tiêu thụ ống thép, tôn mạ lần lượt đạt 159.000 và 75.000 tấn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Sau nửa năm, bán hàng HRC của Hòa Phát ghi nhận 1,4 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạ nguồn HRC như ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương mức tiêu thụ nửa đầu năm 2021.
Các lĩnh vực khác của Tập đoàn vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch quý. Nông nghiệp đóng góp 4% doanh thu chung của Tập đoàn.
Về bất động sản, tháng 6/2022, Tập đoàn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II thêm 216ha. Về ngành điện máy gia dụng, dự kiến Tập đoàn dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường một số dòng sản phẩm mới như máy lọc nước, máy lọc không khí...