Những năm qua môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức.
Công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).
FDI đã và đang đóng vai trò vô cùng to lớn vào sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Trong quá khứ, doanh nghiệp Việt Nam dù có nỗ lực và sáng tạo đến mấy cũng không thể có đủ năng lực và kinh nghiệm để tự thực hiện các dự án hiện đại. FDI mang lại các bí quyết, công nghệ và kỹ năng mới cho nhân lực Việt Nam.
Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp Việt Nam đã không thể tự mình cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, mà cũng không thể tự mình cải thiện quá trình sản xuất và và các phương pháp quản lý. Do vậy FDI đã phần nào đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam, thông qua việc mang lại vốn và tri thức để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện được các dự án của mình.
Thay mặt các nhà đầu tư Đức, tôi có thể nói rằng, nhà đầu tư Đức luôn quan tâm đến việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự hợp tác này.
Hiện nay, Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, sức tiêu dùng mạnh mẽ và đang hướng tới những lĩnh vực công nghệ cao. Đây là một trong những thị trường đang nổi với dân số hơn 93 triệu người, nên có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Đức trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là chế tạo máy móc, công nghệ môi trường và chế biến thực phẩm.
Đức là nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và có mạng lưới đối tác kinh tế rộng lớn. Các doanh nghiệp Đức có mặt tại nhiều thị trường tiềm năng, trong đó có Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ tạo ra nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận thị trường cho cả hai bên, hạn chế rào cản để doanh nghiệp Đức vào Việt Nam dễ dàng hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần tạo ra một sân chơi công bằng và một khuôn khổ kinh tế giống nhau cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đây là biện pháp duy nhất nhằm tạo ra cạnh tranh công bằng và doanh nghiệp có thể phát triển hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị để đối phó với những thách thức toàn cầu. Họ cần phải tăng cường sức cạnh tranh để có thể chủ động hơn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trên thị trường châu Á và toàn thế giới.
Nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và được hưởng những ưu đãi thì đổi lại họ cũng cần phải hỗ trợ Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, tạo ra những cụm cung ứng hay các hệ thống cung ứng hiệu quả, hỗ trợ người dân Việt Nam trong việc nâng cao tay nghề và giải quyết những vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải được tiếp cận tín dụng, cũng như được khuyến khích đầu tư vào công nghệ và sáng tạo nhằm cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Việc thiếu công nhân lành nghề sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, do vậy cần phải xây dựng những chương trình đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp sẽ tự đào tạo nhân lực của mình.
Một điều quan trọng mà tôi muốn khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam là nên thay đổi phương thức quản lý và có lối tư duy toàn cầu. Họ nên đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ, và có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững.