"Đại dịch phần lớn đã bị cô lập và vô hiệu hóa vì tất cả các hỗ trợ chính sách tiền tệ mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cung cấp. Điều đó thực sự đã tách nền kinh tế khỏi thị trường chứng khoán", Hooper nói trong chương trình Trading Nation của CNBC.
Không giống như đại dịch, Hooper cho rằng sự sống lại của cuộc chiến thuế quan sẽ là một tác động trực tiếp đến thị trường.
"Như chúng ta đã thấy vào cuối năm 2018 và 2019, cuộc chiến thuế quan là rất, rất khó giải quyết. Nó đã tạo ra một cơn gió ngược lớn cho các cổ phiếu và một cơn gió ngược lớn hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Điều đó có thể xảy ra một lần nữa quanh khoảng thời gian này", bà nói.
Phố Wall đã trở nên náo loạn bởi những phát biểu ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan chết người của loại virus này.
Vào cuối tuần trước, Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch về các biện pháp an ninh mới ở Hồng Kông, khiến chỉ số Hang Seng có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Washington sẽ phản ứng lại rất mạnh mẽ về vấn đề này.
Thứ Tư vừa qua, Thượng viện đã thông qua luật có thể buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ.
Mặc dù Hooper tỏ ra cảnh giác, nhưng lập luận cơ bản của bà là cuộc chiến ngôn từ giữa hai nước chỉ là cách nói phóng đại, chẳng có ý nghĩa gì, và nó cuối cùng sẽ không ngăn được sự tiến triển trên mặt trận thương mại.
Do đó, bà vẫn liệt kê thị trường chứng khoán của Trung Quốc là sân chơi toàn cầu hàng đầu của mình.
"Hiện tại họ đang ở phía bên kia của đại dịch. Họ thực sự đang bắt đầu thấy hoạt động kinh tế được cải thiện. Thêm vào đó, các mức định giá trông rất, rất hấp dẫn", Hooper nói thêm.
Tuy nhiên, sự lạc quan của bà đối với Trung Quốc không có nghĩa là bà đang tránh các cổ phiếu của Mỹ.
"Tôi nghĩ về chúng như là sự bổ sung cho nhau. Trung Quốc có tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận rất khác so với Mỹ. Mỹ có rất nhiều ‘tên tuổi’ có khả năng phòng thủ đang được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ. Với chứng khoán Trung Quốc thì lại có cơ hội tăng trưởng" , Hooper lưu ý.
Để đối phó với mối đe dọa từ sự sống lại của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Hooper khuyên các nhà đầu tư dài hạn nên đa dạng hóa.
"Bài học lớn nhất mà chúng tôi học được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là không từ bỏ cổ phiếu bởi vì nếu bán hết chúng thì chúng ta không thể kiếm được lời khi thị trường hồi phục. Hãy duy trì việc phân bổ tài sản một cách dài hạn, có kỷ luật", Hooper nói.
Tham khảo: BBC