Đẩy cuộc chiến lên cao trào
Ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã ký kết hợp đồng hợp tác với Amazon Global Selling. Như vậy Amazon đã tiến thêm một bước trong việc xâm nhập vào thị trường "cỡ lớn" Đông Nam Á. Ngày cạnh tranh trực diện của các tên tuổi như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi sắp đến gần.
Chưa tính đến Amazon, thị trường TMĐT Việt Nam vốn đã nổi tiếng là khốc liệt, từ người ở lại cho đến kẻ đã rút khỏi đều đang chờ đến ngày "hết lỗ".
Họ đang chịu những khoản lỗ khổng lồ để thu thập data khách hàng từ seller (người bán hàng) đến buyer (người mua hàng), xây dựng kho vận; marketing, làm thương hiệu, xây dựng công nghệ... Đó còn chưa kể đến đến việc, họ đã và sẽ phải chi rất nhiều tiền để tạo thói quen tiêu dùng của khách hàng Việt - những người vốn ưa thích các kênh mua sắm truyền thống với "sờ tận tay, xem tận mắt".
Năm 2018 là một năm có thể coi là thành công với TMĐT Việt Nam khi các thương hiệu lớn đã đẩy độ nhận diện của mua sắm online lên mức phổ biến. Giai đoạn chuẩn bị thị trường về cơ bản đã hoàn thành và đây là lúc các doanh nghiệp dốc toàn nguồn lực để chiếm lĩnh. Amazon dường như đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kĩ cho sự đổ bộ vào Việt Nam, bắt đúng điểm đi lên của thị trường.
TMĐT Việt Nam đang ở trong giai đoạn từ Expansion đến Peak
Sống sót qua cao trào: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Trong thị trường TMĐT đầy khốc liệt này, để sống sót và trở nên thành công không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Amazon của tỷ phú Jeff Bezos được thành lập ngày 16/07/1995. Sau đó 2 năm, công ty này được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Nhà đầu tư tiếp tục phải chịu những khoản lỗ.
Và phải chờ đến quý 4 năm 2001, Amazon mới có khoản lãi đầu tiên. Họ không rút lãi ra mà thay vào đó là tiếp tục đầu tư cho những lĩnh vực mới. Điều này đã giúp cho Jeff Bezos trở thành một trong những người giàu nhất thế giới hiện nay.
Amazon hiểu rõ việc phải chịu lỗ lâu dài khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng chắc chắn họ vẫn sẽ không ngần ngại rót vốn một cách mạnh mẽ. "Chiếc bánh" sẽ được chia thêm một phần cho ông lớn Amazon dày dạn kinh nghiệm thương trường, kéo theo viễn cảnh chịu lỗ của các sàn TMĐT đi trước sẽ còn dài hơn và lớn hơn.
Thực tế thì Lazada, Adayroi hay Tiki đều được "chống lưng" bởi nguồn vốn của những tập đoàn lớn (trong nước và quốc tế) nên có đủ tiềm lực để cạnh tranh. Và với sự am hiểu về thị trường trong nước, họ nhiều khả năng vẫn tìm được chỗ đứng riêng của mình. Trong khi đó, với những doanh nghiệp nhỏ hơn, việc huy động được thêm vốn để tiếp tục tham gia cuộc chơi TMĐT sẽ không đơn giản. Và tới nay, thương hiệu TMĐT nào sẽ có lãi thực sự thì chẳng ai dự đoán trước được chính xác.
Văn hóa Amazon, ngọn đuốc cho cả thị trường
Không chỉ tạo ra cao trào cho cả thị trường, văn hóa Amazon là điều đáng học hỏi và có thể tạo ra xu hướng tích cực cho cả thị trường nếu họ đẩy mạnh đầu tư và thực hiện các kế hoạch lớn tại Việt Nam. Hiện tại, Amazon mới chỉ ký kết hợp tác đưa sản phẩm của Việt Nam tiếp cận với khách hàng của họ trên toàn cầu. Nhưng sớm hay muộn thì ông lớn TMĐT toàn cầu cũng sẽ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân này, với vị thế sẵn có và định vị rất cao trong lòng khách hàng.
Trước khi thiết lập hệ thống tại Việt Nam, đi đến đâu Amazon cũng xây dựng riêng một hệ thống vận tải, kho bãi… của riêng mình. Và khi họ thiết lập hệ thống tại Việt Nam, chính cách thực hiện của Amazon sẽ tác động tích cực tới các sàn TMĐT khác bởi họ sẽ cùng các thương hiệu khác thúc đẩy thói quen mua hàng online nói chung của những người đang sống và làm việc tại đây.
Trong khi cạnh tranh giữa các thương hiệu TMĐT tăng mạnh, hưởng lợi lớn nhất chính là người tiêu dùng. Một ngày không xa, trên bầu trời Việt Nam sẽ có nhiều bưu phẩm được giao đi bằng những chiếc máy bay không người lái. Người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm chỉ sau vài giờ đặt hàng...