Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia (MCQG). Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố thông tin về một báo cáo độc lập với hệ thống MCQG do Tổng cục Hải quan chủ trì. Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê Hải quan đã có chia sẻ với Trí Thức Trẻ về hành trình số hoá của đơn vị.
-Cách đây 10 năm, Tổng cục Hải quan đã xây dựng hệ thống số dùng cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường biển kê khai hàng hoá. Ở thời điểm đó, hệ thống này là yêu cầu tự thân từ phía Hải quan hay sức ép bên ngoài?
Nhu cầu đến từ cả 2. Thứ nhất, rõ ràng mà nói thì với các cơ quan quản lý nhà nước, không riêng gì Tổng cục Hải quan, quản lý thông tin là điều quan trọng. Thông tin tốt có thể giúp các đơn vị hành chính có được cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động, lĩnh vực mình tham gia, có được đánh giá khách quan hơn về môi trường, doanh nghiệp, các đối tượng được quản lý. Từ đó, chúng tôi có thể đưa ra các chính sách khuyến khích các đối tượng này tuân thủ pháp luật cũng như ngăn chặn các hành vi sai trái.
Mặt khác, nhu cầu cũng đến từ phía doanh nghiệp. Việt Nam đã và đang hội nhập, giao thương ngày càng nhiều. Điều này đòi hỏi một môi trường thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp vươn ra bên ngoài cạnh tranh.
Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê Hải quan (ở giữa), ảnh: Đỗ Linh
Nhiều Nghị quyết của Chính phủ đã nói về vấn đề này. Phải hiểu là khi doanh nghiệp tiết giảm được thời gian, chi phí hành chính, họ sẽ có thêm dư địa để đầu tư tốt hơn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ. Khi vị thế doanh nghiệp nâng cao, cả nền kinh tế sẽ được nâng lên cùng.
-Vậy mục tiêu ở thời điểm bắt đầu số hoá các thủ tục hành chính, giấy tờ của Tổng cục Hải quan khi đó là gì?
Từ thời điểm 10 năm trước đến nay, mục tiêu của chúng tôi không đổi. Thứ nhất là tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu lực của công tác quản lý. Thứ hai là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đấy là thứ xuyên suốt trong thời gian qua.
-Khi bắt tay vào thực hiện những mục tiêu đó, những khó khăn mà phía Hải quan gặp phải là gì? Lãnh đạo đơn vị có dự báo về những thách thức sẽ gặp phải?
Tất nhiên là có. Nhưng phải hiểu là khó khăn sẽ luôn thay đổi, biến động theo thời gian.
Thời đó, khó khăn lớn nhất đến từ chính sách khi chính sách chưa theo kịp cuộc sống, cần cải thiện rất nhiều.
Tiếp đó là sức ỳ lớn từ các cơ quan quản lý. Bởi lẽ, bộ máy hành chính, các cán bộ đã quen vận hành trên một nền tảng giấy tờ thủ công trong rất nhiều năm. Thói quen thì không dễ dàng thay đổi.
Một vấn đề nữa là hạ tầng CNTT còn rất yếu kém. Do vậy, những trục trặc về kỹ thuật là không thể tránh khỏi ở thời điểm ban đầu. Thực tế cũng đã chứng minh điều này.
Tóm lại, giai đoạn đầu, vấn đề chúng tôi gặp phải gồm: chính sách không theo kịp; con người chưa đổi mới; hạ tầng còn yếu kém. Nhưng giờ đã cải thiện nhiều rồi. Mà sự kiện hôm nay chính là một minh chứng. Còn khó khăn thì như tôi nói ban nãy, phía trước vẫn còn nhiều, và nó sẽ biến đổi theo thời gian.
-Đến năm 2014, khi đẩy hệ thống số hoá của Hải quan lên thành Hệ thống MCQG, liên thông với nhiều bộ ngành hơn, thách thức của Tổng cục Hải quan là gì?
Vẫn như vậy thôi. Thật ra khi đã có hệ thống lõi tốt rồi thì việc kết nối sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cũng có vấn đề khi ở các bộ ngành khác nhau thì kinh nghiệm về CNTT khác nhau. Nó không đồng bộ. Do vậy, có những bộ ngành kết nối khá thuận lợi, có những bộ ngành thì va vấp nhiều do lần đầu triển khai.
-Đến thời điểm hiện tại, phản hồi của doanh nghiệp về hệ thống MCQG như thế nào?
Như báo cáo công bố hôm nay, nhìn chung doanh nghiệp tương đối hài lòng với việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua hệ thống MCQG.
Nhưng rõ ràng phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính Tổng cục Hải quan thì vẫn cần cải thiện hơn nữa dịch vụ. Bởi vẫn còn những doanh nghiệp chưa hài lòng.
Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng. Mục tiêu doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng luôn cảm thấy hài lòng. Doanh nghiệp phải được phục vụ với chất lượng dịch vụ cao nhất.
-Trong 12 thủ tục thuộc 5 Bộ được tiến hành khảo sát, thủ tục của Bộ Y tế nhiều lần bị doanh nghiệp đánh giá chưa hài lòng. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?
Nguyên nhân thì có nhiều.
Bộ Y tế gần đây đã ban hành nhiều chính sách tốt để cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó thì không chỉ Bộ Y tế mà nói chung, các đơn vị hiện nay đang chủ yếu là tin học hoá thủ tục hành chính.
Điều này có nghĩa các đơn vị đang điện tử hoá hồ sơ giấy tờ hơn là thực sự cải cách việc thu nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.
-Vậy làm cách nào để cải thiện điều này?
Bao giờ cũng thế, mọi thứ đều bắt nguồn từ chính sách. Có lẽ trong giai đoạn tới, điều quan trọng là phải có 1 bộ hồ sơ hành chính thống nhất để các Bộ, ngành sử dụng chung. Đây là xu hướng của các nước tiên tiến, không riêng gì Việt Nam.
Thứ hai, thông qua việc đánh giá như công bố báo cáo hôm nay, các Bộ, ngành cũng có cái nhìn tổng quan về việc thực thi, xây dựng chính sách để có phương hướng cải thiện.
Thứ ba, khi thực hiện thao tác, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử thì hệ thống CNTT không thể xem thường. Có lẽ chúng ta phải có những bước đi, cách nhìn đánh giá để tái thiết hệ thống theo hướng có nhiều thông tin hơn nữa, nâng cao tốc độ xử lý thông tin, cung cấp nhiều tiện ích, giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
-Nếu đánh giá độ hài lòng cho hệ thống MCQG trên thang điểm 10, số điểm của ông sẽ là?
Chấm điểm thì rất khó. Như các doanh nghiệp phản hồi, có những thủ tục thực hiện rất tốt, nhưng cũng có nhiều cái chưa được. Do vậy không thể cào bằng để chấm điểm được.
Nhưng nhìn trong báo cáo, có thể thấy thang điểm phổ biến của doanh nghiệp đánh giá hệ thống thường ở mức 7 – 8 điểm. Tôi nghĩ có thể nhìn theo hướng này được.
Cảm ơn ông!