Gần đây, dự thảo đề án "Chuyển đổi số Quốc gia" đã và đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến, đưa ra mục tiêu chung đến năm 2025 Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia.
Năm 2025, 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số
Cụ thể, năm 2025 chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (World Competitiveness Scoreboard) theo WEF thuộc top 40 (đến năm 2020 đạt top 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số (đến 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (đến 2020 đạt 15%); phát triển ít nhất 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (đến 2020 đạt 35.000 doanh nghiệp số).
Bên cạnh đó, theo IDC (IDC Spending Guide), chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ xấp xỉ 2.000 tỷ USD vào năm 2022, xu hướng chuyển đổi số sẽ tăng đầu tư cả 3 mảng: Phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Trong đó, chi phí đầu tư cho phần cứng và dịch vụ chiếm hơn 75% chi phí đầu tư chuyển đổi số trong năm 2019.
Sớm đón đầu xu hướng trên, cũng như nhận thức sự bão hoà của ngành hàng điện thoại di động, Digiworld đã xác định động lực tăng trưởng tương lai sẽ đến từ nhóm ngành hàng tiêu dùng và thiết bị văn phòng - được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số trong thời gian sắp tới.
Và, ngay trong quý 2/2019, Digiworld đã chính thức đi đến hợp tác chiến lược cùng HTC VIVE nhằm phân phối các sản phẩm trong lĩnh vực thực tế ảo (VR - Virtual Reality). Đây là một trong những bước đi đón đầu xu thế chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Tiếp tục nhấn mạnh chiến lược này, Chủ tịch Digiworld - ông Đoàn Hồng Việt - cho biết: "Trước sự chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ số những năm gần đây, việc Digiworld hợp tác cùng HTC VIVE hứa hẹn sẽ tạo ra hệ sinh thái VR và các giải pháp ứng dụng trong tương lai. Nhất là trong bối cảnh Chỉnh phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công nghệ thông tin, chú trọng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần 4".
Chủ tịch Digiworld - ông Đoàn Hồng Việt.
Hiện, Digiworld hiện là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chính thức phân phối nền tảng VIVE.
Thử thách nào đang đợi chờ các bên?
Về VIVE, còn mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên thiết bị thực tế ảo hiện lại khá phổ biến tại những quốc gia phát triển. HTC VIVE là nền tảng được xây dựng và tối ưu hóa không gian trải nghiệm thực tế ảo và những tương tác chân thực với cuộc sống. HTC VIVE cũng tạo ra hệ sinh thái cho phần cứng và phần mềm, mang VR đến gần hơn với người dùng, lập trình viên cũng như doanh nghiệp.
Thực tế, HTC đã giới thiệu nền tảng này ra thị trường vài năm và được đón nhận bởi người tiêu dùng. Đến nay, HTC sẽ thông qua Digiworld để được phân phối chính thức tại Việt Nam. Trong đó, mục tiêu trước mắt HTC sẽ chú trọng giải pháp doanh nghiệp (B2C), đối tượng có nhu cầu rất lớn hiện nay. Ngoài ra, HTC VIVE cũng sẽ cung cấp điểm giải trí VVE như Game, trải nghiệm trong lĩnh vực du lịch… Theo đại diện HTC, B2C và Game đang là những nền tảng cơ bản, có tốc độ phát triển nhanh và phổ biến.
Chia sẻ sâu hơn, ông Raymond Pao – Tổng Giám đốc HTC khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiêm Phó Chủ tịch Chiến lược sản phẩm toàn cầu phát triển cho biết HTC khi tham gia vào lĩnh vực này là khác biệt so với lĩnh vực trước đó là điện thoại, tức "nó đòi hỏi hệ sinh thái, nơi mà HTC phải cộng hưởng với các đối tác về phần cứng, giải pháp cho doanh nghiệp địa phương…"
Trong đó, Digiworld sẽ cùng phát triển sinh thái, cùng đưa ra giải pháp tổng thể với HTC mà cụ thể sẽ cung cấp giải pháp phần cứng. Marketing, bán hàng, bảo hành là những động thái chi tiết Digiworld thực hiện cho HTC VIVE.
Tính đến hiện tại, hai bên đã có những hợp đồng đại lý cung cấp sản phẩm này. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên HTC cũng như Digiworld sẽ không chú trọng bán bao nhiêu sản phẩm, thu về bao nhiêu doanh thu mà sẽ tạo ra hệ sinh thái, tạo tiền đề phát triển thời gian tới. "Vì khi hệ sinh thái mạnh rồi thì sẽ thúc đẩy tất cả các mảng còn lại tăng theo", người trong cuộc nhấn mạnh.
Con người có cần thiết phải trải nghiệm ở một thực tế ảo trong khi những gì ở thế giới thực vẫn đang vận hành bình thường?.
Theo đó, con số chỉ tiêu cụ thể vẫn chưa được công bố từ các bên, song cần nhắc lại rằng tiên phong trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, lý do HTC VIVE chọn Digiworld một phần xuất phát từ quan điểm và định hướng hai bên. Nhiệm vụ hiện nay theo chia sẻ từ phía HTC bên cạnh đầu tư phần cứng, thì yếu tố nội dung cũng vô cùng quan trọng vì "nếu nội dung không có gì thì cũng như không".
Một thử thách khác, có vẻ VIVE vẫn chưa thực sự ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt với quốc gia còn khá lạ lẫm như Việt Nam. Con người có cần thiết phải trải nghiệm ở một thực tế ảo trong khi những gì ở thế giới thực vẫn đang vận hành bình thường? Hình ảnh, độ sắc nét cũng như độ thực của thiết bị có đủ để phát huy những công dụng, đáp ứng nhu cầu con người? Thiết bị quá cồng kềnh, liệu có thực sự gắn kết với con người ở tương lai?... là những câu hỏi được đặt ra cho VIVE.
Không phủ nhận điều này, ông Raymond Pao chia sẻ khó khăn lớn nhất tính đến nay chính là khuyến khích Users thử nghiệm, từ đó mới tính đến chuyện giải thích về công dụng, khơi mào nhu cầu cũng như đi đến phát sinh cầu.
Vị này cũng nhắn nhủ, thực tế ảo hoàn toàn khác so với điện thoại, phải có định hướng và tích hợp hệ sinh thái lại. Có hai công nghệ VIVE hiện nay, thứ nhất chỉ xem không tương tác và thứ hai là có thể tương tác. Trong đó, VIVE có thể tương tác sẽ hỗ trợ rất nhiều nhu cầu trong cuộc sống từ mọi lĩnh vực, ví dụ ngành y cho phép đi vào cơ thể người và có thể tách từng bộ phận để nghiên cứu xử lý. Hay với mảng thiết kế ô tô trên VIVE chi phí tiêu tốn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thiết kế như hiện nay…
Tựu trung lại, mặc dù còn nhiều thách thức cho người tiên phong Digiworl trong chiến lược đưa thực tế ảo về Việt Nam, mục tiêu đón đầu xu thế chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, đây đang là mũi nhọn chiến lược, kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng Công ty tương lai không xa.