Cho tới trước khi xảy ra dịch Covid-19, ngành năng lượng vẫn chủ yếu tập trung vào vấn đề khi nào sản xuất dầu sẽ đạt đỉnh, với lo ngại trữ lượng dầu trong lòng đất cạn kiệt sẽ khiến nhân loại nguy khó.
Tuy nhiên, cuộc sống trong tình trạng cách ly để phòng, chống dịch đã dần tạo một thói quen mới: tiêu thụ xăng ít dần đi. Trong thời gian phong tỏa, tiêu thụ xăng ở các thành phố của Mỹ, từ Los Angeles đến New Delhi đã giảm khoảng 1/4 và bầu không khí trở nên trong lành hơn. Sau đó, khi những hạn chế được nới lỏng, mọi thứ vẫn không trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh. Nhiều người đã chủ động hạn chế đi lại. Đã có ý kiến cho rằng, việc đi lại bằng đường hàng không sẽ không bao giờ hồi phục như trước kia. Mặc dù giá dầu vẫn thấp, nhiều người giờ đây muốn tránh các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, trong đó một số người lần đầu tiên tự lái xe đi làm, hoặc đi đường bộ.
Và như vậy, đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh một câu hỏi lớn: Covid-19 có thúc đẩy nhân loại sớm giảm phụ thuộc vào xăng dầu hay không? Để trả lời câu hỏi lớn này, cần giải đáp những câu hỏi nhỏ sau:
Nhu cầu dầu đã đạt đỉnh?
Rất có khả năng nhu cầu dầu đã đạt đỉnh. Khi đại dịch bùng phát khiến các phương tiện đều phải tạm dừng hoạt động, từ tàu hỏa tới máy bay, ô tô…, kể cả lãnh đạo của các công ty năng lượng lớn cũng đã nghĩ rằng "cơn khát" dầu mỏ của thế giới đang có bước ngoặt quan trọng.
Trước đó, các giám đốc điều hành những công ty này đã đưa ra nhiều dự báo về ‘đỉnh’ tiêu thụ dầu. Theo đó, đa số cho rằng "đỉnh" này sẽ rơi vào cuối những năm 2020, trong khi một số khác cho rằng sẽ còn vài thập kỷ nữa mới tới thời điểm đó.
Hiện vẫn chưa ai có thể chắc chắn liệu nhu cầu và giá dầu có bao giờ quay trở lại mức cao như trước hay không.
Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Royal Dutch Shell Plc, nhận định nhu cầu dầu có thể "thấp hơn trong thời gian dài hơn" so với những đợt suy yếu trước đó.
Các nhóm môi trường đã và đang vận động để ngăn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu không trở thành một nạn nhân nữa của đại dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) trong quá trình phục hồi kinh tế. Nếu các nhóm môi trường thành công, nhu cầu dầu có thể không bao giờ trở lại mức cao nhất từng được ghi nhận trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - tổ chức tư vấn cho các quốc gia về chính sách năng lượng, vẫn giữ nguyên dự báo rằng nhu cầu sẽ vẫn tăng để đạt đỉnh vào khoảng trước năm 2030. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, cũng như một số chuyên gia khác đều không phủ nhận rằng, với sự thay đổi lối sống hiện nay như làm việc từ xa, nhu cầu dầu có thể đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu đi xuống.
Dự báo nào đúng?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc đại dịch ảnh hưởng như thế nào đến việc đi lại trong những tháng qua và những năm sắp tới, bởi hơn 60% tiêu thụ dầu đến từ lĩnh vực giao thông vận tải. Cũng có một số người tự hỏi rằng làm thế nào để những thói quen mới có thể trở thành thói quen lâu dài.
Phần lớn dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu dựa trên việc mọi người ngày càng giàu có hơn nên có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu máy bay đã sụt giảm nhiều hơn bất kỳ sản phẩm dầu nào khác do hậu quả của khủng hoảng Covid-19.
Giám đốc điều hành của Boeing Co., Dave Calhoun, dự báo sẽ phải mất 3 năm nữa thì hành khách mới quay trở lại đông như năm 2019. Trong khi đó, Tesla Inc. đã soán ngôi Toyota Motor Corp. trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới trong năm 2020, cho thấy các nhà đầu tư chuyển hướng đặt cọc vào tương lai của xe điện, và đang cố gắng thay đổi ngành công nghiệp dựa vào động cơ đốt trong – có tuổi đời đã hơn 130 năm.
Covid-19 đã làm thay đổi điều gì?
Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng phụ thuộc vào những chiếc xe tải chạy bằng diesel và tàu thủy chạy bằng dầu nhiên liệu nặng. Các chính trị gia đang kêu gọi thế giới giảm phụ thuộc vào vận tải đường dài. Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại trên toàn cầu năm 2020 sẽ giảm ít nhất 13%.
IEA nhận định, lượng khí thải carbon dioxide có khả năng giảm trong năm nay, mặc dù các chỉ số đo cho thấy khí thải đã tăng nhanh sau khi những chính sách hạn chế đi lại được nới lỏng. Sử dụng ô tô gia tăng khi người dân ở các thành phố tránh dùng xe buýt và tàu hỏa; khách du lịch thì lựa chọn các điểm trong nước hơn là nước ngoài.
Giá dầu rẻ cũng có thể làm cho quá trình chuyển đổi sang ô tô điện bị chậm lại, và kinh tế tăng chậm, thậm chí suy yếu, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên không có nhiều tiền để đầu tư cho các công nghệ mới.
Giá dầu diễn biến như thế nào?
Tháng 3 vừa qua đã xảy ra một "cuộc chiến" giá dầu, khi các nước đồng loạt đóng cửa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế.
Giá dầu Brent đầu năm 2020 ở mức 70 USD/thùng, giảm xuống 25 USD khi các kho dự trữ không còn chỗ chứa. Giá dầu Brent thậm chí xuống dưới 0 trong một khoảng thời gian. Tình trạng hỗn loạn đó ở thời điểm ấy là do liên minh OPEC+ tạm thời tan vỡ.
Tháng 4/2020, khi các nhà sản xuất dầu Mỹ bắt đầu ngừng hoạt động, các giàn khoan dầu buộc phải sa thải công nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman để yêu cầu OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Giá dầu sau đó tăng lên khoảng 40 USD/thùng vào tháng 6/2020.
IEA tháng 8/2020 đã lần đầu tiên trong vòng nhiều tháng hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới năm 2020, tháng 9/2020 tiếp tục hạ mức dự báo xuống thấp nữa. theo đó, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm còn 91,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, và cho rằng sẽ phải mất nhiều tháng để nền kinh tế phục hồi. Nhu cầu dầu năm 2021 cũng được IEA cho rằng không hồi phục nhanh như các dự đoán trước. OPEC trong tháng 9/2020 cũng hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới năm nay xuống trung bình 90,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 400.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 8/2020. Từ nhiều tháng nay, một số lãnh đạo tại OPEC luôn băn khoăn rằng liệu nhu cầu dầu mỏ giảm trong năm nay có thể dẫn đến thay đổi mang tính dài hạn, và đã tính tới việc tổ chức này cần tìm phương hướng xử lý nguồn cung khi thời đại của "vàng đen" dường như sắp đến hồi kết.
Những điều trên có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà sản xuất dầu?
Các công ty năng lượng đang xem xét lại nhận định của mình. Shell đã cắt giảm cổ tức lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2. Tập đoàn này cho biết, giá trị tài sản của doanh nghiệp này đã giảm khoảng 22 tỷ USD khi đánh giá lại giá trị doanh nghiệp dưới tác động của Covid-19. Trong khi đó, BP Plc cho biết sẽ xem xét lại các dự báo về giá với nhận định sẽ thấp hơn khoảng 20-30% so với trước, và cho biết giá trị tài sản của hãng đã giảm 17,5 tỷ USD. Ryan Lance, Giám đốc điều hành của ConocoPhillips, cho biết Mỹ có thể sẽ không bao giờ quay trở lại mức sản lượng kỷ lục 13 triệu thùng/ngày như hồi đầu đầu năm 2020. (Các thành viên ở Trung Đông của OPEC có thể sản xuất dầu thô với chi phí chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ).
Giá dầu giảm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách của nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, trong đó có Nigeria và Venezuela, mặc dù một số quốc gia khác cũng phụ thuộc vào dầu mỏ nhưng có dự trữ ngoại tệ lớn như Saudi Arabia và Nga có thể vượt qua những thời điểm khó khăn khi giá dầu giảm sâu.
Theo Bloomberg