Điển hình gần đây nhất là vụ MobiFone mua cổ phần AVG và Sabeco thoái vốn tại dự án đất vàng ở TPHCM. Trong cả hai vụ này, các cơ quan chức năng đã vạch ra những sai lầm, thiếu sót trong việc định giá tài sản, cổ phần, dẫn đến khả năng gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Vì thiệt hại cho ngân sách nhà nước là điều khó có thể tránh khỏi nên các công ty cung cấp dịch vụ định giá liên đới trong những vụ việc này không thể phủi tay, rũ trách nhiệm. Ngoài ra, việc truy trách nhiệm những công ty này còn tạo ra những tiền lệ mang tính răn đe những công ty cung cấp dịch vụ định giá khác, buộc chúng phải hoạt động chuyên nghiệp hơn với chất lượng cao hơn trên tinh thần trung lập và có trách nhiệm cao với dịch vụ của mình. Xử lý nghiêm những vụ việc sai phạm có nguồn gốc từ (cố tình) định giá sai giá trị tài sản cũng là một kênh hữu hiệu góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN, cũng như phòng chống tham nhũng, thất thoát từ việc cổ phần hóa, thoái vốn, hoặc đầu tư có yếu tố nhà nước.
Nhưng vấn đề đặt ra là cần truy trách nhiệm và xử lý những công ty định giá trong các vụ việc này như thế nào. Tuy đây là một vấn đề gần như không có tiền lệ ở Việt Nam nhưng điều này không có nghĩa là cơ quan chức năng nhà nước sẽ mặc nhiên tiến hành các biện pháp hành chính như phạt tiền, tước giấy phép hoạt động của các công ty liên đới hoặc hình sự hóa các vụ việc này.
Ở một số nước, cách thức xử lý các vụ việc nảy sinh từ vấn đề định giá tài sản, kể cả khi liên quan đến Nhà nước, thường là mang tính kinh tế, thông qua kênh tố tụng dân sự để buộc các công ty định giá phải bồi thường khi chứng tỏ được là chúng đã (cố tình) làm sai. |
Ở một số nước, cách thức xử lý các vụ việc nảy sinh từ vấn đề định giá tài sản, kể cả khi liên quan đến nhà nước, thường là mang tính kinh tế, thông qua kênh tố tụng dân sự để buộc các công ty định giá phải bồi thường khi chứng tỏ được là chúng đã (cố tình) làm sai.
Vụ Chính phủ Mỹ kiện S&P là một ví dụ phù hợp và có tính chất tương thích trong trường hợp này, mặc dù S&P không phải là một công ty định giá tài sản, mà là một hãng xếp hạng tín nhiệm. Hồi đầu năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc S&P có trách nhiệm trong việc gây thiệt hại hàng nhiều tỉ đô la Mỹ cho nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do hãng này đã thổi phồng xếp hạng tín nhiệm các loại chứng khoán thế chấp bằng bất động sản nhằm có thêm nhiều thương vụ kinh doanh mới, từ đó làm lợi cho các nhà phát hành. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp Mỹ đòi S&P phải bồi thường 5 tỉ đô la Mỹ.
Phản ứng lại, S&P tuyên bố kết quả xếp hạng của mình được bảo vệ bởi quyền được tự do phát biểu, và cáo buộc ngược lại rằng cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ là một hành động trả đũa do hãng này đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, sau hàng loạt thương lượng, đến đầu năm 2015, S&P đồng ý chi trả 1,5 tỉ đô la Mỹ để khép lại các vụ kiện bởi Bộ Tư pháp và chính quyền ở nhiều bang. S&P cũng đồng ý chi trả 125 triệu đô la Mỹ cho Quỹ Hưu trí California với cùng lý do.
Trong những thương vụ giữa các công ty tư nhân hoặc cá nhân khác, nếu có bên nào đó cho là mình bị hại bởi kết quả định giá tài sản không chính xác thì nơi giải quyết cũng vẫn là tòa án.
Năm trước, cũng tại Mỹ, một chủ bất động sản đã kiện Công ty Bất động sản online Zilow vì cho rằng công cụ “Zestimate” gây lùm xùm của công ty này đã luôn định giá bất động sản của bà thấp hơn giá trị thật, làm cản trở lớn đến việc bán nhà của bà. Người chủ muốn bán bất động sản của mình ở vị trí đẹp với giá 626.000 đô la Mỹ, gần bằng giá bà mua năm 2009. Nhà đối diện ở bên kia đường lớn hơn một chút nhưng được bán với giá cao hơn nhà bà 100.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống định giá tự động của Zilow lại sử dụng giá nhà mới hoàn thiện ở những vị trí kém hơn trong cùng địa hạt để làm giá so sánh và đưa ra cái giá chỉ là 562.000 đô la Mỹ cho căn nhà của bà. Bà kiện Zilow để buộc công ty này hoặc phải bỏ công cụ Zestimate hoặc phải sửa đổi nó.
Zilow đã bác bỏ cáo buộc “vô lý” này, cho rằng công cụ này được xây dựng bằng “công thức đặc quyền”, là công cụ kiếm ăn chủ yếu của công ty vì đã được sử dụng rộng rãi để định giá cho hàng trăm triệu bất động sản khắp nước Mỹ và qua đó thu tiền bán quảng cáo.
Nhưng nhiều công ty bất động sản và định giá khác cũng lên tiếng phê phán Zilow bởi nhiều trường hợp giá của Zilow đưa ra quá chênh lệch với giá họ đưa ra và giá mua bán thực tế, làm rối người tiêu dùng. Bản thân Zilow cũng thừa nhận có sai sót. Và tuy không thừa nhận là “nhà định giá” nhưng Zestimate lại ước tính giá bất động sản, tức là đã kinh doanh không phép. Bởi vậy, Zilow rơi vào thế bất lợi và nếu bị xử thua thì rất có thể có nhiều người tiêu dùng ở các nơi khác tiếp tục lôi công ty này ra tòa.
Quay trở lại với các trường hợp liên quan, có yếu tố... Nhà nước ở Việt Nam. Với MobiFone, giả sử “không may” mà thương vụ mua AVG suôn sẻ và chỉ sau này thì vấn đề định giá thổi phồng AVG mới được đặt ra. Lúc này, ngoài chuyện xử lý trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm, cố ý làm trái của MobiFone và các bộ liên đới, điều có thể và cần làm là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của MobiFone (tức Bộ Thông tin và Truyền thông) đứng ra kiện các công ty định giá AVG vì đã thổi phồng giá trị của AVG, gây thiệt hại cho Nhà nước (nếu như bộ không có lợi ích gì trong việc định giá).
Tương tự, đại diện phần vốn nhà nước của Sabeco (tức Bộ Công Thương) có thể đứng ra kiện công ty định giá với cáo buộc đã dùng các phương pháp và cách thức định giá không thích hợp (gồm có việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường, theo ý kiến trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước), làm giảm đáng kể giá trị doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm.