Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá tiêu cực với áp lực bán dồn dập trên toàn thị trường. Đóng cửa phiên, chỉ số VN-Index giảm 50,84 điểm (-3,77%) xuống 1.296,3 điểm. Số mã giảm trên sàn HoSE lên tới 374 mã, trong đó có 123 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 36 mã tăng điểm.
Mức giảm sâu trong phiên 12/7 đã khiến vốn hóa TTCK Việt Nam bị "thổi bay" hơn 248.000 tỷ đồng (10,7 tỷ USD), trong đó riêng sàn HoSE mất đi hơn 190.600 tỷ đồng vốn hóa (khoảng 8,2 tỷ USD).
Như vậy, tính từ khi HoSE chính thức "thông sàn" vào ngày 5/7, VN-Index đã liên tiếp có những phiên giảm sâu, nổi bật trong đó là phiên 12/7 với mức giảm 3,77%; phiên 9/7 với mức giảm 2% và phiên 6/7 với mức giảm 3,99%. Tính chung trong 6 phiên giao dịch qua, VN-Index đã mất đi tổng cộng 123,97 điểm, tương ứng 8,73%.
Dữ liệu Bloomberg cho biết tại mức giá đóng cửa phiên 12/7, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 17,77, "hạ nhiệt" đáng kể so với giai đoạn đầu tháng 7 khi P/E lên vào khoảng 19,5. Nếu cập nhật KQKD quý 2/2021, định giá P/E của VN-Index sẽ còn thấp hơn nhờ triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực.
P/E VN-Index đã "hạ nhiệt" sau những phiên giảm sâu gần đây (Click vào ảnh để phóng to)
Một điểm đáng chú ý, đà giảm của TTCK Việt Nam trong phiên 12/7 diễn ra trong bối cảnh hầu hết các thị trường khu vực đều tăng mạnh.
Việc thị trường Việt Nam ngược dòng khu vực giảm sâu có thể xuất phát từ áp lực chốt lời tăng mạnh sau giai đoạn nửa đầu năm thăng hoa. Thống kê từ Indexq, với mức tăng gần 28%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm 2021. Việc thị trường tăng không ngừng nghỉ trong nhiều tháng qua đã kích hoạt tâm lý chốt lời của giới đầu tư, dẫn tới những phiên giảm sâu gần đây.
VN-Index ngược dòng khu vực giảm sâu trong phiên 12/7
Bên cạnh yếu tố chốt lời thông thường, những lo ngại về triển vọng lợi nhuận của một vài nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, thép trong thời gian tới sẽ không còn quá thuận lợi như nửa đầu năm nay cũng dẫn tới áp lực bán gia tăng.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc giảm lãi suất đầu ra này dù sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhưng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng. Trên TTCK, ngân hàng là nhóm ngành có trọng số lớn nhất vào lúc này và việc lợi nhuận của nhóm này bị ảnh hưởng sẽ tác động đến thị trường chung.
Với nhóm thép, sau những tháng ngày bứt phá đầu năm, giá thép thế giới dường như đã có dấu hiệu đạt đỉnh. Ngành thép có tính chu kỳ cao, và với việc giá thép không còn quá thuận lợi, trong khi định giá các doanh nghiệp đang ở mức rất cao so với lịch sử cũng khiến áp lực chốt lời gia tăng.
Ngoài ra, những lo ngại về xu hướng các Ngân hàng Trung Ương trên thế giới dần thu hẹp quy mô kích thích kinh tế khi kiểm soát tốt dịch bệnh phần nào khiến dòng tiền vào thị trường trở nên thận trọng hơn.
Trong hội thảo gần đây, các chuyên gia từ CTCK VNDIRECT cho rằng giá cổ phiếu hiện tại đang chạy trước mức tăng trưởng của lợi nhuận. Do đó, dự báo thời gian tới, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đảo chiều giảm nhẹ. Thị trường tới đây sẽ trở nên phân hóa khi các ngành có lợi thế phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về giá cổ phiếu; ngược lại, những ngành không có tính đột phá thì giá cổ phiếu sẽ đi ngang để "chờ" lợi nhuận.
Trong khi đó, báo cáo chiến lược của CTCK Mirae Asset cho rằng định giá TTCK Việt Nam hiện không còn rẻ. Thị trường sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong tháng 7 và VN-Index có thể lùi về vùng 1.200 điểm.