Trong tháng 2/2021, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt có các cuộc họp với đầu mối chuyên trách của các bộ liên quan, đại diện một số ngân hàng thương mại có thị phần cho vay lớn… để chuẩn bị cho việc xây dựng Dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2022-2023 và Thông tư hướng dẫn thi hành.
Đây là bước triển khai cụ thể định hướng từ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực.
Bước đầu, nhiều ý kiến của ngân hàng thương mại (NHTM) băn khoăn về điều kiện của khách hàng vay vốn trong dự thảo Nghị định là phải “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Theo những ý kiến này, đây là các tiêu chí định lượng khó đánh giá trên thực tế, vì vậy đề nghị chuyển thành “có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định.
Ngoài ra còn có khá nhiều các ý kiến đề nghị xem xét lại, cân đối lại hoặc làm rõ hơn các quy định trong dự thảo. Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục xem xét để sớm hoàn thiện.
Còn về định hướng chung, Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên tắc và quan điểm rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất cần triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023 hoặc có thể kết thúc sớm hơn khi sử dụng hết nguồn lực kinh phí được giao; việc triển khai chính sách bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch…
Theo dự thảo, việc hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Ngân hàng cho vay là NHTM, là nhóm chủ lực trong cho vay đối với nền kinh tế, với quy mô dư nợ chiếm 94% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo dự thảo, NHTM sẽ dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thông báo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của NHTM tại thời điểm giải ngân khoản vay hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay.
Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích. Theo đó, chỉ quy định khống chế thời gian giải ngân mà không giới hạn thời gian ký kết thỏa thuận cho vay; các khoản vay cũ (đã ký hợp đồng trước đó) mà giải ngân trong khoảng thời gian này vẫn được hỗ trợ lãi suất đối với dư nợ phát sinh sau ngày 11/01/2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trước ngày 11/01/2022, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó toàn ngành đã miễn, giảm lãi vay với tổng số tiền lãi được miễn, giảm gần 37.500 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ lãi suất lần này nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế nên thích hợp để áp dụng cho các khoản giải ngân mới trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau này.
Về quy định các khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất được xác định trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ trả nợ tiếp theo sau khi đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Thứ hai, khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất khi đã trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.
Như vậy, trường hợp khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định thì vẫn được hỗ trợ lãi suất, còn trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không giữ nguyên nhóm nợ thì chỉ được hỗ trợ lãi suất sau khi kết thúc thời gian thử thách (3 tháng đối với nợ trung dài hạn, 1 tháng đối với nợ ngắn hạn).
“Quy định này nhằm đảm bảo hỗ trợ được cho các khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng (như ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành nông nghiệp gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh …), không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì vẫn được hỗ trợ lãi suất theo các kỳ hạn được cơ cấu”, Ngân hàng Nhà nước giải thích.
Về thời hạn và mức lãi suất hỗ trợ, thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023 (trong đó, thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng thời hạn vay theo thỏa thuận cho vay giữa ngân hàng và khách hàng). Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn được hỗ trợ lãi suất nêu trên.
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của ngân hàng thương mại. Khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng (bao gồm số lãi tiền vay khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và dự kiến số lãi tiền vay còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này đến ngày 31/12/2023) đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính có biện pháp quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng NHTM để đảm bảo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất không vượt quá 40.000 tỷ đồng.