Từ lâu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xem là chỉ tiêu chính để đo lường sự phát triển của quốc gia. Nhưng gần đây, nhiều nhà kinh tế và chính trị gia trên thế giới cho rằng nên xem xét lại thậm chí là thay đổi quan điểm này.
Có 3 vấn đề về GDP. Thứ nhất, ngay trong định nghĩa GDP đã bỏ sót một số hoạt động kinh tế (như công việc gia đình không được trả lương). Thứ hai, nó không tính đến kinh tế bền vững và môi trường. Thứ ba, có các thước đo khác phản ánh hạnh phúc tốt hơn như là kết quả giáo dục, sức khỏe và tuổi thọ.
Chuyên gia Havard Business Review đã khảo sát các quan điểm, cả lịch sử và hiện tại và nhận thấy, phương án phù hợp nhất để thay thế hoặc bổ sung cho GDP là Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc. Theo chỉ số này, Mỹ chưa bao giờ ở vị trí dẫn đầu.
Nhưng lâu nay, nó là thước đo quan trọng nhất để đo lường sự thành công của một đất nước (tất nhiên là ngoài lĩnh vực thể thao). Từ Thế chiến thứ II, số liệu thịnh hành nhất là sản lượng của một quốc gia (tính bằng USD). Đầu tiên nó được biểu thị dưới dạng tổng sản phẩm quốc dân (GNP), sau đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, hiện tại, GDP có vẻ không được tin tưởng cho lắm.
Một nghiên cứu năm 2009 về các lựa chọn thay thế cho GDP được nhà kinh tế Amartya Sen, Joseph Stiglitz và Jean-Paul Fitoussi tiến hành do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ủy quyền trước đó một năm đã trở thành cơn sốt toàn cầu.
Kể từ 2007, mỗi năm Viện Legatum đều công bố Chỉ số Thịnh vượng toàn cầu - một sự kết hợp tinh vi giữa chỉ số kinh tế và các chỉ số khác. Thủ tướng Anh David Cameron cùng với nhiều quốc gia cũng tiết lộ các kế hoạch đo lường về phúc lợi quốc gia, điều này tạo ra một làn sóng cực lớn.
Bên cạnh đó, còn có những "đối thủ" của GDP qua hàng thập kỷ, chẳng hạn như Chỉ số Phát triển Con người HDI của Liên hợp quốc hay chỉ số mà Vương quốc Bhutan khăng khăng rằng phải tối đa hóa - GNH, “tổng hạnh phúc quốc gia”.
Robert F. Kennedy từng nói trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968 “Tổng sản phẩm quốc dân của chúng ta…tính cả ô nhiễm không khí, quảng cáo thuốc lá, xe cứu thương trên đường cao tốc, tính cả một số thu nhập bất chính. Nó tính sự tàn phá cây gỗ đỏ và sự hủy hoại kỳ quan thiên nhiên...Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc dân không tính đến sức khỏe, chất lượng giáo dục hay niềm vui chơi của con cái chúng ta".
Phát biểu trên của Kennedy ít được chú ý vào thời điểm đó nhưng về sau lại đã trở nên nổi tiếng bởi vì nó chính là quan điểm ngắn gọn của hầu hết các bài phê bình GDP.
Xếp hạng nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao nhất theo Báo cáo Phát triển Con người của Liên hợp quốc năm 2011:
1. Qatar
2. Liechtenstein
3. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
4. Singapore
5. Luxembourg
6. Kuwait
7. Na Uy
8. Brunei
9. Hong Kong
10. Hoa Kỳ
Nhiều điều giá trị trong cuộc sống không thể tính bằng GDP, nhưng chúng có thể được đo lường bằng các thước đo về sức khỏe, giáo dục và tự do.
Ul Haq - cố vấn hàng đầu của Robert McNamara tại Ngân hàng Thế giới vào những năm 1970, từng là Bộ trưởng Tài chính Pakistan vào những năm 1980 và tham gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc vào năm 1989. Từ lâu, ông đã trăn trở vì Pakistan và nhiều quốc gia nghèo khác khó mà đạt được tiến bộ nhanh chóng khi chỉ đo sự phát triển bằng GDP.
Ông xây dựng một dự án để theo dõi sự phát triển tốt hơn. Nhóm nghiên cứu quyết định bổ sung những dữ liệu sẵn trên thế giới về tuổi thọ và trình độ học vấn vào GDP. Nhờ đóng góp quan trọng của Ul Haq, họ kết hợp các con số thành một chỉ số đơn giản để xếp hạng các quốc gia.
Lần đầu tiên HDI được công bố vào năm 1990, nước dẫn đầu về GDP bình quân đầu người là Mỹ chỉ đứng vị trí thứ 10 về HDI, sau Nhật Bản, Canada, Úc và một số quốc gia nhỏ ở châu Âu.
Công bố này cũng làm cho một số quốc gia như Sri Lanka, Việt Nam và Trung Quốc trở nên nổi bật vì mức sống cao hơn nhiều so với quy mô nền kinh tế. Hiện nay, HDI cũng được sử dụng phổ biến. Hằng năm Báo cáo Phát triển Con người cũng nêu bật nhiều chỉ số khác bên cạnh HDI, chẳng hạn như tính bền vững và phân phối thu nhập. Trong báo cáo gần đây nhất, Mỹ đứng thứ 4 về HDI nhưng chỉ đứng thứ 23 về chỉ số “điều chỉnh bất bình đẳng”.
Đối với Chỉ số Phát triển Con người tổng hợp của mình, Liên hợp quốc đo lường ba khía cạnh cơ bản của chất lượng cuộc sống: sức khỏe và tuổi thọ, kiến thức và thu nhập.
1. Nauy
2. Úc
3. Hà Lan
4. Hoa Kỳ
5. New Zealand
6. Canada
7. Ireland
8. Liechtenstein
9. Đức
10. Thụy Điển
Tương tự HDI, một loạt các bảng xếp hạng ra đời.
Xếp hạng các quốc gia hàng đầu về phát triển con người, được điều chỉnh khi tính bất bình đẳng
1. Nauy
2. Úc
3. Thụy Điển
4. Hà Lan
5. Iceland
6. Ireland
7. Đức
8. Đan Mạch
9. Thụy Sĩ
10. Slovenia
Ngày càng nhiều các nhà kinh tế, nhà lãnh đạo bàn về việc đo lường vị thế của một quốc gia bằng các thước đo khác. Họ quan tâm tới một khía cạnh có vẻ bình dị - đó là “hạnh phúc”.
Nhà kinh tế học Richard Easterlin đã làm một cuộc thảo luận và chỉ ra rằng kết quả thăm dò về hạnh phúc quốc gia không tương quan cùng chiều với thu nhập bình quân đầu người. Trong một quốc gia, những người giàu thường hạnh phúc hơn những người nghèo. Nhưng quốc gia giàu không nhất thiết hạnh phúc hơn những quốc gia nghèo hơn. Khi thu nhập vượt quá một mức nhất định không làm hạnh phúc tăng theo.
Phải mất một thời gian cái gọi là nghịch lý Easterlin mới thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà kinh tế học khác. Sự xuất hiện gần đây của kinh tế học hành vi, vốn coi trọng nghiên cứu tâm lý, đã làm bùng nổ các cuộc khảo sát về hạnh phúc.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác đã bắt đầu phân biệt giữa 2 cuộc khảo sát về mức độ hạnh phúc. (A) Yêu cầu mọi người đánh giá mức độ hài lòng của họ với cuộc sống và (B) tập trung vào trạng thái cảm xúc tại thời điểm cụ thể. Kết quả (A) gắn với thu nhập còn (B) thì không.
Vào năm 1781, Jeremy Bentham đã đưa ra ý tưởng đánh giá hành động dựa trên mức độ hạnh phúc mà nó tạo ra. Bentham gợi ý tạo ra phép tính hạnh phúc cho bất kỳ hành động nào, bằng cách cân bằng 12 nỗi đau (nỗi đau của giác quan, nỗi đau của sự vụng về...) và 14 niềm vui (thú vui của tình thân, thú vui của sự giàu có...).
Về cơ bản, ý tưởng này có vẻ đúng hướng, nhưng cách tiếp cận của Bentham đối với nó thì không. Việc tính toán niềm vui và nỗi đau sao cho có thể so sánh giữa người này với người khác khá là phức tạp và lộn xộn. Các nhà kinh tế học áp dụng nhiệt tình phương pháp này, nhưng chỉ tập trung vào biểu hiện hữu hình của hạnh phúc qua nhu cầu của người tiêu dùng, đó là: họ sẵn sàng chi tiêu vào thứ gì.
Cuối cùng, tiền không mua được hạnh phúc, nhưng có thể đo được mức độ hạnh phúc.