Theo định nghĩa của OECD trong cẩm nang "Đo lường kinh tế chưa được quan sát", kinh tế chưa được quan sát bao gồm 4 khu vực: kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, kinh tế phi pháp và kinh tế tự sản tự tiêu. Vậy hiểu như thế nào để không bị lẫn lộn giữa các khái niệm này?
Bạn có một con gà, bạn chăm sóc nó, hàng ngày nó đẻ trứng và bạn ăn trứng, đó là kinh tế tự sản tự tiêu. Bạn cảm thấy ăn trứng gà mãi rất chán nên bạn quyết định cùng với vợ bạn (hoặc chồng bạn) nuôi một đàn gà để bán trứng, bạn đã sang khu vực kinh tế phi chính thức.
Sau đó việc buôn bán khấm khá, bạn phát triển được hai đàn gà, ba đàn gà, rồi hàng nghìn con, bạn không đủ khả năng chăm sóc hết và bạn thuê thêm một số nông dân trong làng nhưng không kí kết hợp đồng lao động, bạn đang làm kinh tế ngầm. Sau cùng, bạn nhận ra rằng chăm gà vất vả quá để làm gì khi gà đông lạnh "nghìn năm" của Trung Quốc quá rẻ so với gà của bạn, bạn nhập lậu về bán thì xin chia buồn, bạn đã hoạt động kinh tế phi pháp!
Tổng hợp các định nghĩa từ cẩm nang của OECD có thể kết luận như sau:
Kinh tế tự sản tự tiêu là việc chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng hóa cuối cùng với mục đích tiêu dùng chứ không trao đổi, hoặc xây nhà ở,…
Khu vực kinh tế phi chính thức có thể được mô tả là các đơn vị tham gia sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ với mục tiêu chính là tạo việc làm và thu nhập cho những người liên quan, nhưng cấp độ tổ chức rất thấp thấp, không phân chia hoặc phân chia lao động thấp, vốn là các yếu tố sản xuất và ở quy mô nhỏ. Quan hệ lao động chủ yếu dựa trên quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân và xã hội hơn là các thỏa thuận hợp đồng với sự đảm bảo chính thức.
Kinh tế ngầm được định nghĩa là các hoạt động có hiệu quả đối với nền kinh tế và cũng "tương đối" hợp pháp (vẫn tuân thủ một số quy chuẩn nhất định) nhưng lại không được đăng ký với các cơ quan công quyền vì những lý do như: tránh thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập hoặc các loại thuế khác; tránh các khoản đóng góp an sinh xã hội; tránh một số quy định như tiền lương tối thiểu, giờ làm tối đa, an toàn sức khỏe; tránh thủ tục hành chính.
Còn kinh tế phi pháp bao gồm các hoạt động bán, sở hữu hoặc sản xuất các loại hàng cấm theo luật, hoặc việc sản xuất loại hàng hóa đó là hợp pháp được thực hiện bởi các nhà sản xuất phi pháp.
OECD cho biết: Thống kê được các chỉ số tốt là yếu tố rất cần thiết cho việc hoạch định và nghiên cứu chính sách kinh tế. Một khía cạnh quan trọng của chất lượng chỉ số là phản ánh được đầy đủ các khu vực kinh tế.