Nếu là một người xem truyền hình cáp tại Việt Nam từ những năm đầu tiên, bạn sẽ thấy các kênh truyền hình nước ngoài luôn có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Ngoài việc cung cấp nhiều loại hình giải trí mới lạ, độc đáo, đây cũng là một kênh thông tin vô cùng bổ ích về thế giới tự nhiên với những địa danh, loài vật mà ở thời điểm đó chưa nhiều người biết đến.
Công ty sở hữu những kênh truyền hình nổi tiếng và được yêu thích nhất về chủ đề này chính là Discovery với hàng triệu người theo dõi trên toàn cầu, đưa người xem đến với những miền đất mới cùng nhiều loài động thực vật độc đáo. Tuy nhiên, theo sự thoái trào của các loại hình truyền hình truyền thống cùng sự vươn lên của các dịch vụ streaming như Disney +, Amazon Prime hay Netflix, số lượng người đăng ký sử dụng truyền hình cáp cũng như theo dõi các kênh này ngày một giảm dẫn đến việc những người đứng đầu phải đưa ra một biện pháp để có thể duy trì sự tồn tại của công ty.
Và cách được lựa chọn đó là sáp nhập - Warner Media – một gã khổng lồ trong ngành truyền thông cũng gặp rất nhiều vấn đề trong những năm vừa qua, sau khi được AT&T mua lại.
Các kênh truyền hình được sở hữu bởi Warner Media và Discovery (Ảnh: The Ringer)
Được thành lập từ năm 1985 tại thành phố New York, Discovery bắt đầu trở nên nổi tiếng khi kênh truyền hình cùng tên với những chương trình về thế giới tự nhiên thu hút được đông đảo sự quan tâm khán giả không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Với sự thành công của Discovery Channel, công ty lần lượt mở thêm các kênh chuyên về thế giới động vật (Animal Planet), ẩm thực (Food Network) hay du lịch (Travel Network) ... Mới nhất, họ đã mở rộng sang mảng thể thao với hai kênh truyền hình là Eurosport 1 và Eurosport 2. Tính tới cuối năm 2018, có gần 100 triệu người Mỹ theo dõi các kênh truyền hình của Discovery trên hệ thống truyền hình cáp tại nước này. Họ cũng có nền tảng streaming trực tuyến là Discovery + với khoảng 15 triệu người đăng ký - theo số liệu tới cuối năm 2020.
Đối tác của họ trong lần hợp nhất này là đơn vị sở hữu HBO – kênh truyền hình với nhiều series nổi tiếng ăn khách như "Game of Thrones" hay "The Walking Dead". Không chỉ vậy, họ còn nắm trong tay kênh thông tin CNN, hãng sản xuất phim Warner Bros và thương hiệu truyện tranh siêu nhân DC Comics.
Với việc nắm giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng thuộc loại hàng đầu thế giới như vậy, không khó hiểu khi năm 2018, công ty được mua lại bởi gã khổng lồ trong ngành viễn thông là AT&T mua lại với cái giá lên tới 85 tỷ USD, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump về chống độc quyền.
Sau khi thực hiện thương vụ mua lại, với tham vọng giành thị phần từ mảng streaming, Warner Media đã cho ra mắt nền tảng chiếu phim trực tuyến là HBO Max. Thời gian đầu, họ tỏ ra tương đối thành công; tuy nhiên càng về sau, HBO Max càng trở nên thất thế trước Disney +, Amazon Prime và đặc biệt là Netflix. Số lượng người đăng ký HBO Max chỉ đạt 44 triệu, tức chỉ bằng khoảng 25% so với nền tảng dẫn đầu, cho thấy thương vụ đầu tư của AT&T đã không đạt được như những gì họ kỳ vọng.
Thêm vào đó, AT&T đã vay nợ rất nhiều cho thương vụ mua lại này, vì vậy, họ không có được sự kiên nhẫn; đồng thời công ty cũng có ưu tiên lớn hơn là xây dựng hệ thống mạng 5G và cáp quang trên toàn nước Mỹ. Bên cạnh đó, Time Warner rất muốn tận dụng nền tảng thể thao, vốn rất được quan tâm, từ hai kênh Eurosport của Discovery để gia tăng số lượng người xem. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc họ đồng ý với lời đề nghị của Discovery trong việc sáp nhập hai công ty.
Số lượng người dùng của HBO Max và Discovery chỉ đạt tổng cộng 59 triệu người, tức chưa bằng một nửa so với Netflix (Ảnh: Financial Times)
Ngày 18/5 vừa qua, AT&T đã cho phép sự sáp nhập giữa Discovery và Timewarner, trong đó công ty hợp nhất sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập. Công ty mẹ của TimeWarner hiện tại sẽ nhận được 43 tỷ USD, bao gồm tiền mặt, một số khoản trái phiếu và nợ có liên quan.
Công ty hợp nhất hiện chưa có tên cụ thể, nhưng dự kiến giá trị tổng sẽ lên tới 150 tỷ USD, bao gồm cả những khoản nợ chung. Số lượng chương trình giải trí của doanh nghiệp hợp nhất được đánh giá là vượt trội so với các đối thủ hiện tại, bao gồm những bộ phim ăn khách tới từ HBO, những chương trình khám phá với Discovery, cùng với nhiều tin tức cập nhật từ CNN và chuyên mục thể thao với Eurosport - điều mà Netflix không cung cấp cho người dùng của họ.
Cùng với nhau, Warner và Discovery sẽ trở thành tập đoàn truyền thông lớn thứ hai về doanh thu sau Disney, với tổng doanh thu đạt 41 tỷ USD - tính theo năm tài chính gần nhất; đồng thời, họ cũng "sở hữu" khoản nợ lên tới 55 tỷ USD. Ông Zaslav - giám đốc điều hành hiện tại của Discovery sẽ là người điều hành liên minh mới này. Vị giám đốc đáng kính này kỳ vọng tới năm 2023, doanh thu của họ sẽ đạt 52 tỷ USD trên 200 triệu người sử dụng các nền tảng của họ - tương đương với Netflix hiện tại.
Ông Zaslav - giám đốc điều hành của Discovery sẽ là người chèo lái liên minh mới (Ảnh: Krista Schlueter - The New York Times)
Theo thông tin từ AT&T, các cổ đông của hãng viễn thông này sẽ sở hữu 71% cổ phần của công ty mới, trong khi các cổ đông của Discovery nhận được 29%. Đồng thời, họ cũng giải quyết được một số khoản nợ lớn từ thương vụ mua lại Warner Media, giúp công ty tập trung hơn vào lĩnh vực viễn thông chủ lực. Với rất nhiều kỳ vọng và được quản lý bởi một người đàn ông giàu kinh nghiệm, liệu liên minh mới này có đánh bại được Disney +, Netflix hay sẽ tiếp tục là một thất vọng như họ đã từng?