Để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, Cục Thú y, Bộ NNPTNT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư 26 đang bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp vì nhiều ý kiến cho rằng, hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lo quy định nộp C/C, H/C trong dự thảo sửa đổi thông tư 26 khó khả thi
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản VIệt Nam (VASEP), cho rằng trong tình hình nguồn nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt hoặc không đáp ứng được nhu cầu cho chế biến, nhiều doanh nghiệp xem nguồn nguyên liệu nhập khẩu như là một phương án tối ưu để giữ khách hàng, người lao động.
Hiện tại, cả nước có trên 300 doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản để chế biến xuất khẩu. Trong số này, khoảng hơn 100 đơn vị có nhà máy chế biến mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò then chốt, chiêm từ 20 – 90% tổng lượng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu hàng năm.
Các doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định tất cả lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đều phải nộp C/C là không cần thiết, gây lãng phí thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng. Thậm chí, quy định này là một kiểu tự “lấy đá ghè chân mình” và doanh nghiệp không thể thực hiện được trên thực tế.
Nguyên nhân, theo ông Nam, khảo sát quy trình hiện tại, phải mất ít nhất một tháng sau khi nhận hàng thì doanh nghiệp mới có C/C trong tay. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế và Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua cũng không bắt buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện này.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp C/C khi nhập hàng hải sản nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu là nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường Châu Âu.
Theo đó, cơ quan thú y sẽ căn cứ vào các số liệu trong C/C doanh nghiệp nộp để cấp giấy. Riêng đối với những lô hàng tạm nhập tái xuất sẽ xử lý linh hoạt hơn do nguồn hàng xuất nhập ra vào rất nhanh.
Ngư dân Bình Định chuẩn bị xuất khẩu cá ngừ
Chưa hết, đối với lô hàng nhập khẩu mà doanh nghiệp có ý định dùng để chế biến, xuất khẩu sang EU, dự thảo sửa đổi thông tư 26 yêu cầu phải đáp ứng đồng đồng thời hai điều kiện liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một là cơ sở sản xuất, bao gồm cả tàu cá, phải có tên trong danh sách được EU công nhận hoặc được cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra và công nhận đáp ứng yêu cầu tương đương với quy định EU về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, từng lô hàng nhập vào Việt Nam (không áp dụng đối với tàu cá) cung cấp giấy chứng nhận y tế (H/C) theo mẫu của Việt Nam yêu cầu , trên mẫu H/C này có ghi chú cho phần chứng nhận lô hàng phải ghi “meet EU requirements”.
Trên thực tế, quy định này gây khó cho doanh nghiệp, vì một số nước chỉ cấp H/C có chứng nhận lô hàng đạt yêu cầu EU (nghĩa là “meet EU requirement”) đối với những lô hàng xuất trực tiếp đi EU và việc cấp EU H/C này phải làm trên hệ thống TRACE.
Còn đối với nước nhập khẩu không phải EU, các nước xuất khẩu không cấp H/C trên hệ thống TRACE được nên không thể cấp H/C có câu “meet EU requirement”. Nhiều nước cũng có mẫu định sẵn nên không thể chèn thêm câu chữ như Việt Nam yêu cầu.