Tính đến ngày 30/1/2022, hầu hết các doanh nghiệp (DN) thép niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với “bức tranh” sớm được dự báo. Trong đó, đã có 6 DN ghi nhận tổng lỗ hơn 3.500 tỷ trong quý 4/2022, riêng Hoà Phát báo lỗ 2.000 tỷ đồng.
Lời tiên đoán của Chủ tịch HPG hiệu nghiệm
Hòa Phát (HPG) là một trong những đơn vị đầu tiên công bố tình hình kinh doanh quý 4/2022, với doanh thu 26.000 tỷ - giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, Công ty lỗ ròng hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp tục xuống đáy mới sau quý 3 vừa ghi nhận lỗ hơn 1.700 tỷ.
Lũy kế cả năm 2022, HPG đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Năm 2022 đánh dấu 30 năm hoạt động của Tập đoàn. Trong năm, HPG cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC).
Nhu cầu sụt giảm trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu tăng (đặc biệt giá than đột biến) đã ảnh hưởng đến hoạt động của HPG nói riêng và DN trong ngành nói chung. Mặt khác, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh tác động khiến “điều gì đến sẽ đến”.
Điều này đã được Chủ tịch HPG là ông Trần Đình Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ đầu năm. Thời điểm đó, ông Long chia sẻ, dù kết quả kinh doanh quý 1 khá tốt nhưng ngành thép đang không thuận lợi và chỉ cần "đợi 2 tháng nữa có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".
Thêm một quý lỗ khủng, song mức lỗ của HSG, NKG, TVN… giảm so với quý liền kề
Cũng đánh dấu quý thứ hai lỗ lớn, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa tổng kết quý 1 niên độ 2022-2023 (1/10-31/12/2022) với mức lỗ 680 tỷ đồng. Quý trước đó, Hoa Sen lỗ 887 tỷ đồng.
Theo HSG, trong kỳ Công ty đã giảm hơn 1.400 tỷ hàng tồn kho, giảm gần 1.500 tỷ dư nợ vay ngân hàng. Trong đó, HSG ưu tiên tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD và khoản nợ vay dài hạn.
Tương tự, VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG) và Tisco (TIS) cũng đều đã giảm lỗ so với quý trước đó. Dù vậy, so với cùng kỳ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều "thê thảm".
Cụ thể, VNSteel báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm so với quý 3/2022. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên VNSteel có lợi nhuận âm kể từ năm 2014.
Hay NKG , Công ty báo lỗ 350 tỷ đồng trong quý 4. Cả năm 2022 thua lỗ 67 tỷ đồng (so với cùng kỳ lãi đến 2.225 tỷ đồng)….
Chiều ngược lại, vẫn có những điểm sáng trong bức tranh chung. Đơn cử, dù doanh thu giảm 29% do tiêu thụ giảm, Vicasa (VCA) vẫn có lãi ròng gần 7 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Nguyên nhân được biết nhờ Công ty tiết giảm đáng kể các chi phí.
Về thị trường chung, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.
Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận sản lượng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tiêu thụ tôn mạ giảm 22% chủ yếu do thị trường xuất khẩu suy yếu tới 38%. Tình hình bán hàng các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ và ống thép đều ảm đạm khiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm hơn 13%.
Dự báo về tình hình sắp tới, HPG trong báo cáo mới nhất nhận định: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục”. Đáng chú ý, theo nguồn tin từ Kallanish, Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm.
Đây là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn. Trước đó, Hòa Phát đã đóng 3 lò cao trong 2 tháng cuối năm 2022. HPG cũng đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép.