Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Với EVFTA chỉ còn một thủ tục tiếp theo là Hội đồng châu Âu sẽ thông qua phê chuẩn Hiệp định. Trong khi đó, EVIPA cần có thêm sự chấp thuận Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.
Về phía Việt Nam sẽ đợi đến kỳ họp tiếp theo của Quốc hội vào tháng 5/2020, Chủ tịch nước sẽ trình ra cho Quốc hội thảo luận phê duyệt. Dự kiến hiệp định có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Trong đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định: Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Hai Hiệp định này đã được ký kết vào 30/6/2019 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của thủ tướng chính phủ.
Dự kiến, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023, ghi nhận bởi Chứng khoán Phú Hưng (PHS). Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Một trong số nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là nông, lâm, thủy sản với tỷ lệ dự kiến đạt 5%, khi mà EU là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu khoảng 1,25 tỷ USD (giảm hơn 13% so với năm ngoái), chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019.
Trong đó, tôm và cá tra vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường nước ngoài của ngành thủy sản Việt Nam. Ghi nhận, xuất khẩu cá tra đạt 622,7 triệu USD (tăng 28,8%) chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu và giá trị xuất khẩu sang EU chiếm 11%. Xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD (giảm 5,4%). EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm nước ta. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD (giảm 17.7% so với năm 2018).
Các sản phẩm khác như cá ngừ giảm 11% do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, mực và bạch tuộc giảm 13% đạt 585 triệu USD do nguồn nguyên liệu khan hiếm. EU đang là thị trường nhập khẩu lớn đối với 2 nhóm sản phẩm này.
Như vậy, ngành thuỷ sản dự kiến sẽ hưởng lợi từ thuế quan EVFTA, trong đó mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.
Đối với từng sản phẩm, gồm cá ngừ đóng hộp có hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. Tôm nguyên liệu sẽ về mức thuế 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm về 0% từ 20% hiện tại. Các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực...) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Mực và bạch tuộc đông lạnh đang chịu có mức thuế 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...
Ước tính EVFTA đóng góp khoảng 9% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu ngành thủy sản Việt Nam 2019, PHS cho hay. Diễn biến khác, doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc EU.
Về phía doanh nghiệp, Vĩnh Hoàn (VHC) với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ 68% và Trung Quốc 11%, trong khi EU chỉ chiếm tỷ trọng 6% với các sản phẩm cá tra; do đó kết quả kinh doanh 2020 ước tính không có nhiều ảnh hưởng từ EVFTA.
Ngược lại, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang EU cao như Nam Việt (ANV), Thuỷ sản Hùng Vương (HVG), Minh Phú (MPC) đều được kỳ vọng hưởng lợi từ EVFTA.
Riêng MPC được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%. Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của MPC vào EU là 11%. Đến năm 2020, Tập đoàn sẽ nâng thị phần xuất khẩu thủy sản sang EU lên khoảng 15 - 16%, đặc biệt trong điều kiện xuất khẩu qua Mỹ không thuận lợi.