Cuối thế kỷ 15, một căn bệnh bí ẩn bùng phát tại Anh, khiến hàng nghìn người chết, gây ra nỗi kinh hoàng khắp khu vực. Căn bệnh được gọi là đổ mồ hôi Anh, hiện chỉ còn là một phần nhỏ được ghi chép trong lịch sử y văn. Căn bệnh lây lan thành 5 đợt, vẫn là câu hỏi lớn của y học.
Tỷ lệ tử vong của bệnh ước tính là khoảng 30% đến 50%. Nhiều bệnh nhân có các triệu chứng đầu tiên vào tối hôm trước và qua đời ngay trong sáng hôm sau. Các chuyên gia cho biết người bệnh thường sẽ qua khỏi nếu sống sót trong 24 giờ.
Bệnh chỉ giới hạn ở Anh, hiếm khi vượt qua biên giới Scotland, Wales, hoặc Ireland. Châu Âu ghi nhận một số trường hợp, nhưng không đáng kể.
Giới khoa học hoảng sợ trước căn bệnh lạ
Đổ mồ hôi Anh bùng phát thành 5 đợt chính, vào các năm 1485, 1508, 1517, 1528 và 1551. Các đợt dịch trải dài trong các triều đại của ba vị vua Anh thuộc Hoàng gia Tudor, gồm Henry VII (1485–1509), Henry VIII (1509–547) và Edward VI (1547–1553).
Bắt đầu từ năm 1485, người ta tình nghi là do binh lính người Pháp được cha Vua Henry VIII thuê trong Cuộc chiến tranh hoa hồng 1487 mang đến. Thay vì bảo vệ ngai vàng cho Henry, những người này lại gieo rắc dịch bệnh khiến triều đại của Vua Anh bị "toát mồ hôi và tử vong hàng loạt".
Theo lời Thomas More - cố vấn của Vua Henry VIII thì ở chiến trường người ta còn cảm thấy an toàn hơn ở thành phố khi bệnh bùng phát.
"Sợ lây nhiễm nên các quan chức triều đại của Vua Henry liên tục phải di chuyển. Nhà vua phải mang theo cả hoàng tộc lẫn những người thân tín đi xa, đã có lúc phải giải tán triều đình", Thomas More còn lưu lại.
Sau khi đoàn quân của Henry chiến thắng trở về London, dịch bệnh bùng phát, giết chết 15.000 người trong vòng 6 tuần. Năm 1502, Hoàng tử Arthur Tudor, con trai của Henry VIII, là người thừa kế ngai vàng qua đời vài tháng trước sinh nhật lần thứ 16, có thể vì bệnh đổ mồ hôi Anh.
Vua Henry VIII sợ hãi dịch đổ mồ hôi trong suốt những năm trị vì. Ảnh: History
Tháng 11/1485, căn bệnh thuyên giảm. Đến năm 1508, nó bùng phát trở lại song không lan rộng, chỉ giới hạn ở Anh, do đó cướp đi sinh mạng của ít người hơn. Tháng 10/1508, căn bệnh tiếp tục biến mất.
Đợt dịch thứ ba xảy ra vào năm 1517, vào cuối tháng 6, chủ yếu giới hạn ở London. Các tài liệu sử học và y khoa không có nhiều thông tin về đợt bùng phát này.
Năm 1528, căn bệnh một lần nữa trở lại London, lây truyền mạnh và lan sang châu Âu, đến tận phía Đông của Nga.
Đợt dịch cuối cùng diễn ra năm 1551, mang đến nỗi kinh hoàng cho toàn nước Anh, giết chết khoảng 1.000 người. Dù vậy, mầm bệnh một lần nữa chỉ giới hạn trong nước.
"Trong thời kỳ này, tất cả các tầng lớp xã hội, từ người nghèo đến hoàng tộc đều dễ nhiễm bệnh. Nếu người thuộc tầng lớp hoàng gia và quý tộc bị bệnh quá nhiều, chính trị bị ảnh hưởng. Chứng bệnh đổ mồ hôi dường như đặc biệt lây lan ở đàn ông trẻ tuổi. Điều này rất nghiêm trọng vì họ là những tầng lớp thống trị trong tương lai", Elma Brenner, nhà sử học tại Thư viện Wellcome ở London, cho biết.
Triệu chứng và cái chết khó tránh khỏi
Sở dĩ được xem là căn bệnh bí ẩn vì ngay cả các bác sĩ thời trung cổ cũng không xác định được mầm bệnh. Triết gia Francis Bacon - người viết tiểu sử Vua Henry VII đã gọi vị vua này là người “cai trị trong đau đớn” bởi không thể kiểm soát được dịch bệnh, lý do đơn giản là không hiểu rõ nó từ đâu đến cũng như nguyên nhân gây bệnh.
Dường như nó không lan truyền qua máu hoặc dịch tiết của cơ thể nên có người không tin bệnh lây từ người sang người. Có người lập luận là do “tạp chất ngoại lai gây ra”. Đặc biệt, trái ngược với hầu hết đợt dịch thời Trung cổ, bệnh đổ mồ hôi Anh không tấn công người già, trẻ nhỏ, mà lây lan chủ yếu ở thanh thiếu niên, trung niên, đặc biệt là nam giới giàu có, ở tầng lớp thượng lưu.
Sau này, có giả thiết cho rằng những đợt bùng phát “Đổ mồ hôi Anh” trùng với sự khởi đầu của thời kỳ nguội dần của các núi lửa ở Indonesia. Cũng có ý kiến bệnh bùng phát sau lũ lụt, mưa nhiều, khi loài gặm nhấm tăng mạnh, thủ phạm lan truyền dịch bệnh. Khoa học hiện đại coi “Đổ mồ hôi Anh” thuộc bệnh truyền nhiễm do Hantavirus gây ra.
Tranh vẽ minh hoạ người mắc bệnh đổ mồ hôi
Bệnh đổ mồ hôi Anh khởi phát nhanh chóng và không có dấu hiệu báo trước, thường biểu hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng đầu tiên là ớn lạnh và run rẩy, tiếp theo là sốt cao, suy nhược cơ thể. Bệnh nhân thường bị đổ mồ hôi, phát ban.
Giai đoạn ớn lạnh có thể kéo dài từ nửa tiếng đến ba giờ, sau đó tới giai đoạn nóng bức cơ thể và đổ mồ hôi. Mồ hôi tiết nhiều và không rõ nguyên nhân. Người bệnh có cảm giác nóng, nhức đầu, mê sảng, mạch nhanh và khát dữ dội.
Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân kiệt sức và suy sụp tổng thể, thường buồn ngủ. Diễn biến bệnh rất dữ dội, đôi khi gây tử vong trong vòng vài giờ.
Tỷ lệ tử vong khác nhau ở các tài liệu, song hầu hết ghi nhận từ 30% đến 50%. Một số văn bản y khoa khác cho biết nguy cơ tử vong lên tới 80-90%. Lý do có sự khác biệt này là trình độ chuyên môn của bác sĩ thời kỳ đó.
Theo tiến sĩ Thomas Le Forestier, thời gian ủ bệnh đổ mồ hôi Anh là từ một đến 29 ngày, đôi khi lên tới 44 ngày.
Giải mã bí ẩn
Để giải mã căn bệnh, vào năm 2002, các nhà khoa học đã khai quật thi thể của Vua Arthur ở Nhà thờ Worcester. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra bất cứ manh mối nào.
Một số người phỏng đoán bệnh lây lan do những thay đổi ở xã hội Anh sau khi cuộc chiến Hoa hồng kết thúc. Khi ấy, khí hậu mát mẻ, sự thịnh vượng của đất nước và việc mở rộng xây dựng đã tạo điều kiện cho chuột phát triển.
"Vào thời điểm đó, mọi thứ đang thay đổi. Người ta bắt đầu chặt phá rừng trên quy mô lớn. Theo phỏng đoán của tôi, một loại virus trong rừng đã lây lan sang người", Yosi Rimmer, nhà sử học y khoa tại Maccabi Health Services ở Haifa, Israel, cho biết.
Căn bệnh càn quét giới thượng lưu tại Anh
Một số nhà khoa học cho rằng triệu chứng của đổ mồ hôi Anh giống với Đại dịch cúm năm 1918, cũng lây lan thành từng đợt trong hai năm và sau đó biến mất. Dù vậy, hầu hết chuyên gia không tin rằng hai căn bệnh này là một. Nhiều người nhận định đổ mồ hôi Anh chính là bệnh than hoặc bệnh lao.
Bệnh đổ mồ hôi ở Anh bỗng dưng biến mất vào năm 1551 và đến năm 1718, một bệnh tương tự có tên đổ mồ hôi Picardy lại bùng phát tại Pháp, sau đó là các đợt bùng phát hạn chế, lẻ tẻ kéo dài đến năm 1861.
Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Quân đội Queen Astrid, Brussels, Bỉ lập luận Hantavirus là thủ phạm gây bệnh, do dơi, động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột lan truyền. Đây là loại virus RNA gram âm thuộc họ Bunyaviridae. Con người có thể nhiễm virus này qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với loài gặm nhấm.
Nguồn: Discover Magazine, NIH, History