Ngày 18/4, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đã họp bàn phương án đầu tư đường Vành đai 4 TP. HCM đi qua 2 địa phương này. Đường Vành đai 4 dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025 ở một số địa phương.
Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM có chiều dài 197,6 km. Tuyến đường có hướng đi qua 5 tỉnh thành, gồm Bà Rịa-Vũng Tàu (18,3 km), Đồng Nai (45,45 km), Bình Dương (48,25 km), TP. HCM (20,5 km) và Long An (67,85 km).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đoạn tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai là cung đường đầu tuyến, có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong lưu thông vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, tuyến đường đi qua địa phận 2 tỉnh ngày thuộc khu vực kinh tế - xã hội Đông Nam Bộ sầm uất, có cảng biển và sân bay cùng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mật độ cao.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đã quyết định thành lập 6 tổ chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong đó, tổ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 4 do ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm tổ trưởng.
Hiện nay, Bình Dương đang tích cực phối hợp với TP. HCM triển khai tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Cùng với đó, các địa phương chủ động tính toán khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển khu vực dọc tuyến đường Vành đai 4.
Đối với đường Vành đai 4 TP. HCM, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3 km. Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6km, còn lại 21,7km chưa đầu tư.
Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường Vành đai 4 TP. HCM mới hoàn thành nhưng UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024 (sớm hơn 6 năm).
Trong đó, tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh, còn chi phí xây lắp sẽ từ vốn của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, cảng sông có tuyến đường đi qua.
Tại TP. HCM, đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông vận tải. Mức đầu tư của tuyến đường này khoảng 7.100 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, việc sớm khép kín đường Vành đai 4 tạo sự đồng bộ cơ sở hạ tầng, góp phần phát huy hiệu quả kết nối các khu kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, cảng Phú Mỹ, sân bay quốc tế Long Thành. Không chỉ vậy, tuyến đường còn thúc đẩy các dịch vụ vận chuyển logistics, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, phát triển dịch vụ cảng.
Qua rà soát tổng thể về nhu cầu vốn, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP. HCM giai đoạn 2021-2025 là không đủ khả năng cân đối. Trên thực tế, thành phố chỉ đáp ứng được 20,1% số vốn theo kế hoạch.
Do đó, TP. HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP. HCM giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án vành đai.