Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu dùng lớn thuộc top châu Á, với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ bình quân vào khoảng 10%/năm, giá trị thị trường ước lên đến 160 tỷ USD vào năm 2020. Kết quả là, nhiều tên tuổi lớn trên thế giới đổ bộ, khai thác song song với các đơn vị có tiềm lực trong nước, thị trường bán lẻ Việt theo đó ngày càng sôi động.
Tuy nhiên, tính cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt giữa doanh nghiệp ngoại và nội đang là thách thức cho ngành, khi các đơn vị nội địa thua thiệt về quy mô, nguồn vốn, công nghệ… với đối thủ. Thậm chí, nhiều ý kiến còn bày tỏ quan ngại về việc mất thị phần ngay trên chính sân nhà.
Nhà bán lẻ nội phải liên kết với nhau
Không phủ nhận điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng đối với doanh nghiệp bán lẻ nội, đúng là phải cạnh tranh với những đại gia bán lẻ ngoại như Aeon Mall, BigC… "Tuy nhiên, tôi thấy doanh nghiệp nội cũng rất mạnh mẽ vượt qua những ngưỡng của mình. Có những doanh nghiệp không có đủ về thương hiệu… nhưng có được sự am hiểu về người tiêu dùng Việt Nam. Và doanh nghiệp nội cần hiểu thêm là không nên đứng một mình mà phải liên kết, kết nối với nhau", bà Loan đặt vấn đề, mấu chốt lúc này theo bà Loan là phải biết hợp tác với ai để cùng phát triển kinh doanh?
Một điều quan trọng thứ hai, vị này nhấn mạnh là phải có hiểu biết về người tiêu dùng. Đã không còn thời hô hào người tiêu dùng là trung tâm hay phương châm "khách hàng là thượng đế" để thu hút thị trường, mà chúng ta phân tích, tìm hiểu rõ về người tiêu dùng để nắm bắt được xu hướng, từ đó tạo ra thị phần.
Đi sâu vào xu hướng người tiêu dùng nói riêng và thị trường nói chung, theo Chủ tịch Hiệp hội, khoảng 15 năm trước không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ, nhưng giờ chúng ta đã định hình rồi. Điều nhìn thấy chắc chắc là công nghiệp dịch vụ bán lẻ có tương lai tươi sáng, bà Loan nói thêm, nếu dùng 2 từ nói về tương lai bán lẻ Việt Nam thì sẽ bao gồm "công nghệ" và "sáng tạo". Đặc biệt, bán lẻ theo chuỗi hiện nay đang là mơ ước của các nhà vận hành, kể cả các nhà bán lẻ nhỏ, nhà đầu tư khởi nghiệp… Thực tế cũng cho thấy, ở hầu hết các ngành bán lẻ đều có thể kinh doanh theo chuỗi, ví dụ chuỗi bán lẻ di động/điện máy, thời trang, giày dép, đồ dành cho mẹ và bé, chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm, dược phẩm… và đặc biệt phát triển mạnh mẽ là các chuỗi ẩm thực, ăn uống.
Bà Đinh thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: "Tôi thấy doanh nghiệp nội cũng rất mạnh mẽ vượt qua những ngưỡng của mình".
Bán lẻ theo chuỗi đang là ước mơ của nhiều doanh nghiệp
Được biết, mô hình bán lẻ chuỗi chỉ mới phát triển mạnh ở Việt Nam trong vài năm gần đây nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao doanh thu. Theo ước tính của một số chuyên gia, mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, khoảng 20-30%/năm trong vài năm gần đây - một con số vô cùng ấn tượng dù chúng ta có xuất phát điểm thấp.
"Triển vọng ngành bán lẻ theo chuỗi chỉ thành công nếu đáp ứng được quy mô lớn, phương pháp quản trị tốt và có thương hiệu uy tín. Sân chơi rất rộng mở với tỷ lệ phát triển bán lẻ tăng trưởng ở 2 chữ số (hơn 10%), luôn cao hơn tăng trưởng GDP của đất nước từ 1,5 đến 2 lần, không có nhiều ngành có mức tăng trưởng như thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, người tiêu dùng trẻ, năng động, mức đô thị hóa mạnh mẽ hơn (30% mỗi năm). Đây là những tiền đề để thị trường bán lẻ Việt phát triển mạnh", bà Loan nhận định.
Song song, kinh doanh theo chuỗi còn có yếu tố thúc đẩy lớn đó là tỷ lệ bán lẻ hiện đại trong thị trường bán lẻ còn ở mức khá thấp, chưa đạt mức 30% trên toàn bộ thị trường (gồm siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm cửa hàng tiện ích, bán lẻ online…), do đó không gian phát triển bán lẻ hiện đại mà cụ thể là kinh doanh theo chuỗi còn rất nhiều, là mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên quan điểm của mình, bà Loan cho rằng các chuỗi phát triển ở Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuỗi lớn trên thế giới. Bán lẻ Việt Nam cũng rất sáng tạo và có nhiều điểm đặc thù của ngành bán lẻ Việt và văn hóa Việt. Và, trong nhiều yếu tố đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành bán lẻ thì vấn đề lựa chọn vị trí mặt bằng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, bên cạnh các yếu tố nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng, công nghệ.
Có lợi thế hiểu được nhu cầu người Việt, doanh nghiệp nội không hẳn đã thua cuộc
PGS.TS Ngô Trí Long: "Nguyên tắc trước kia là cá lớn nuốt cá bé, nhưng với thời buổi cách mạng công nghệ 4.0 thì cá bé sẽ dễ làm ăn hơn cá lớn".
Tiếp tục câu chuyện cạnh tranh ngoại – nội trên thị trường bán lẻ Việt Nam, bán lẻ nội phải làm gì trước tiên để bắt kịp xu hướng thị trường? Chia sẻ tại Hội thảo "Tương lai của ngành bán lẻ" mới đây, với tư cách người tiêu dùng, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá – Bộ Tài chính cho rằng: "Bất kỳ nhà kinh doanh bán lẻ nào cũng phải sử dụng và nắm được tháp nhu cầu, sau đó cộng thêm 1 cộng thêm 2. Bởi, kinh tế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, kkhông chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải tạo thêm nhu cầu cho người dân".
Thống kê sơ bộ thị trường bán lẻ với khoảng 800 trung tâm thương mại, 9.000 chợ, 2,2 triệu hộ doanh nghiệp bán lẻ, ông Long đặt nghi vấn "mặc dù chiếm thị phần ít nhưng doanh nghiệp ngoại đang áp đảo, vậy làm sao doanh nghiệp nội phát triển?"
Trả lời, vị này khẳng định yếu tố quyết định phần lớn thành công hiện nay là tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, mà muốn làm được thì sản phẩm bán ra phải hàng chính hiệu, hàng thật và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, với hàng tươi sống thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Nguyên tắc trước kia là cá lớn nuốt cá bé, nhưng với thời buổi cách mạng công nghệ 4.0 thì cá bé sẽ dễ làm ăn hơn cá lớn", ông Long nhấn mạnh, "và trong bối cảnh này, thói quen người tiêu dùng là điểm mấu chốt, và doanh nghiệp nội thì lại có lợi thế nên không hẳn sẽ thua cuộc". Nói chuyện là vậy, song muốn không thua cuộc doanh nghiệp nội cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn gốc rõ ràng, hiểu hơn nhu cầu khách hàng. Ngoài yêu cầu hàng đầu về chất lượng, độ an toàn, người tiêu dùng cũng còn có nhiều nhu cầu khác nên doanh nghiệp bán lẻ cần nắm được cụ thể để có chiến lược phù hợp mà trước hết cần tạo lòng tin cho người tiêu dùng, cung cấp các mặt hàng thật, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chuyên gia nói thêm.