Với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua gồm 157 điều. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 99 theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Đồng thời, luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.
Về hợp đồng bảo hiểm, để tránh xung đột pháp luật, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm g khoản 1 Điều 25 theo hướng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định tại Điều 22 về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến cho rằng việc tổ chức thi, cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ bảo hiểm... nên để tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia thực hiện. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán", ông Thanh nói.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ, về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có 4 hình thức tổ chức doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp luật đối với hoạt động quản trị điều hành và công khai thông tin của công ty hợp danh và công ty tư nhân không có yêu cầu nghiêm ngặt như loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, do đó, hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh không phù hợp đối với các công ty yêu cầu quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng như lĩnh vực bảo hiểm. Theo kinh nghiệm quốc tế, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không áp dụng 2 loại hình doanh nghiệp này; lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng cũng không cho phép 2 loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ lựa chọn 2 hình thức tổ chức là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh giải thích, việc lựa chọn không có mô hình chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự khác biệt nhất định so với quy định của Luật Doanh nghiệp do bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó cần có yêu cầu đặc thù về công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Quy định không có mô hình Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn này cũng tương tự quy định về cơ cấu tổ chức của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, đối với vấn đề giữ hay không giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu. Kết quả, 250/498 đại biểu (chiếm 50,20%) đồng ý không quy định Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nên dự thảo luật trình Quốc hội biểu quyết tiếp thu theo đa số đại biểu. Theo đó, toàn bộ số dư quỹ, hiện khoảng 1.000 tỉ đồng, sẽ do Bộ Tài chính quản lý để dùng chi cho mục đích bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản./.