Quý 1/2020 đã đi qua do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến các chỉ tiêu doanh thu giảm từ 50% trở lên ở hầu hết các ngành nghề kinh tế, bao gồm cả bất động sản (BĐS). Hiện nay, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp và cả thế giới đang nỗ lực dập dịch, tiếp theo đó là công cuộc chống suy thoái kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land nêu quan điểm, thay vì “ngủ đông” thì chúng ta nên biến thời gian này thành kế hoạch hành động và chuẩn bị cho việc phục hồi sau dịch Covid-19.
Bà Hương nhận định, có lẽ phải đến giữa hoặc gần cuối quý 2, tình hình dịch bệnh sẽ có hy vọng được kiểm soát và vì vậy một kịch bản hồi phục kinh tế sau đại dịch cần phải tính ngay từ bây giờ.
Nữ tổng giám đốc này cho rằng, trong giai đoạn chạy nước rút khi chỉ còn lại 6 tháng cuối năm để vực dậy, các doanh nghiệp phải làm việc gấp 200%, thậm chí 300% mới có cơ hội đạt 50-70% theo kỳ vọng trong tình hình rất thử thách này. "Nếu chúng ta làm tốt, tâm lý thị trường sẽ quay trở lại và cơ hội hồi phục, đà tăng tốc sẽ tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo. Sự cộng hưởng từ các nguồn lực trong và ngoài nước là rất quan trọng trong chiến dịch lần này", bà Hương nói.
Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn luôn lạc quan và lên kế hoạch để khôi phục lại thị trường. Ảnh: V.D
Cụ thể, cần tập hợp các dự án của các chủ đầu tư sẵn sàng chào bán (có thể đưa ra 1 số tiêu chí yêu cầu liên quan đến pháp lý dự án mới đủ điều kiện đưa vào danh sách). Tình hình thực tế là nguồn cung đang khan hiếm nên cần tiếp tục tác động từ Hiệp hội BĐS và cơ quan ban ngành thúc đẩy mạnh tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung.
Bên cạnh đó, cần phân loại sản phẩm theo quy mô, theo khu vực và theo loại hình sản phẩm: Nhà phố, biệt thự; Căn hộ bình dân, trung cấp; Căn hộ cao cấp; Nhà đất vùng ven, các tỉnh thành lân cận; Dự án nghỉ dưỡng; Dự án nhà xưởng, khu công nghiệp.
Đồng thời, cần phân chia làm 2 nhóm đối tượng tiếp cận: Mua bán dự án, mua sỉ một phần dự án; Bán lẻ ra thị trường. Các chủ đầu tư cần xác định các chính sách bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng và chi phí bán hàng dành cho hệ thống phân phối.
Cuối cùng, tổ chức Road show dự án dành cho 3 đối tượng: M&A dự án hoặc 1 phần dự án dành cho NĐT trong và ngoài nước; Ngày hội môi giới: dành riêng cho các hệ thống môi giới, đưa ra các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn; Ngày hội mua nhà dành cho khách hàng: đưa ra các gói ưu đãi cực tốt cho người mua nhà, mua đất với chính sách giá cả hợp lý.
Nếu tháng 6 TP.HCM được chấp thuận thành lập "Thành phố phía Đông" thì đây sẽ là một điểm sáng làm đòn bẩy kích cầu khu Đông Sài Gòn. Các ngành nghề khác đều có thể vào cuộc trong chiến dịch lớn này. Các doanh nghiệp phải phát huy năng lực tự thân và chủ động trong mọi hoàn cảnh. Tâm lý chờ giải cứu, trông đợi và coi dịch bệnh là cái cớ để đổ lỗi sẽ không giải quyết được tình hình.
Bên cạnh câu chuyện cơ cấu lại hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, hay chọn cách “ngủ đông” để lấy năng lượng bật dậy sau dịch Covid-19 thì ở bối cảnh hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp BĐS luôn chủ động trong câu chuyện hỗ trợ khách hàng để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng hành trong dài hạn.
Những doanh nghiệp có tầm nhìn vẫn mong muốn khách hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, và bản thân doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội khi chia sẻ với khách hàng.
Mới đây, khá nhiều doanh nghiệp BĐS đã tung ra các gói hỗ trợ “sâu” để kích cầu tiêu dùng. Dĩ nhiên, với các gói này có thể không thể hiện hiệu quả rõ nét ở bối cảnh dịch bệnh nhưng ít ra có thể thấy lợi thế đang thuộc về khách mua nhà. Và, bản thân doanh nghiệp cũng đang rất chủ động trong câu chuyện tìm kiếm giải pháp để vượt qua dịch Covid-19.