Thị trường BĐS năm 2019 được nhiều doanh nghiệp bất động sản đánh giá là khó khăn hơn các năm trước cả về nguồn cung lẫn nguồn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình, tìm những hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng giao dịch, đa dạng hóa nguồn thu và phát triển trong tương lai...
Đầu tiên phải kể đến là xu hướng liên kết phát triển dự án của một số doanh nghiệp trên thị trường. Có thể kể đến như tại dự án Dreamland Bonanza (Cầu Giấy, Hà Nội). Vinaland là đơn vị mới tham gia thị trường BĐS ở mảng chung cư, chính vì vậy việc tìm kiếm khách hàng và tạo uy tín trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết việc trên Vinaland đã mời Cty CP BIC Việt Nam làm quản lý dự án và kinh doanh sản phẩm.
Tại dự án này, BIC Việt nam đã tư vấn cho chủ đầu tư về sản phẩm, tiện ích, công năng căn hộ trước khi đưa ra thị trường, nghiên cứu về diện tích và giá bán phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. BIC Việt Nam cũng cam kết bảo lãnh về tiến độ của dự án nêu tại hợp đồng đã ký giữa khách hàng và chủ đầu tư. Để đảm bảo sự yên tâm cho khách hàng, đơn vị quản lý dự án và kinh doanh sản phẩm BIC Việt Nam sẵn sàng chịu phạt với khách hàng khi tiến độ công trình của chủ đầu tư không hoàn thành như cam kết.
Cũng như Vinaland hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước có quỹ đất nhưng thiếu kinh nghiệm phát triển dự án đang có xu hướng liên kết với những doanh nghiệp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm trong tư vấn phát triển dự án. Có thể kể đến như HDMon Holding đã mời Indochina tham gia tư vấn tại dự án The Zen (Mỹ Đình). Thậm chí hiện nay, nhiều sàn bất động sản không chỉ bán hàng mà còn góp vốn vào phát triển dự á cùng các chủ đầu tư.
Cùng với đó là xu hướng liên kết của các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án với các doanh nghiệp BĐS trong nước dồi dào quỹ đất. Tại Hà Nội dự án liên kết lớn nhất là dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD), riêng nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Corporation góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam. Hay tại dự án Khu đô thị Waterpoit, Long An, Tập đoàn Nam Long, nhà đầu tư Nhật Nishi Nippon Railroad, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp cùng góp vốn theo tỷ lệ tương ứng 50% - 35% - 10% và 5% để thực hiện giai đoạn 1 Khu đô thị này, với tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng.
Một hướng đi nữa của các doanh nghiệp BĐS thời gian gần đây là lấn sân sang các lĩnh vực mới. Cách đây vài năm, nếu như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai lấn sân sang ngành nông nghiệp và đạt được nhiều thành công thì gần đây hàng loạt doanh nghiệp lớn như FLC, Sungroup đã phát triển mạnh mẽ lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Nhiều doanh nghiệp BĐS đang lấn sân đầu tư sang các lĩnh vực hạ tầng sân bay, nhiệt điện (Ảnh: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong).
Đặc biệt gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và tiềm năng là Điện Mặt Trời. Có thể kể đến như Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang vừa công bố bản báo cáo về dự án nhà máy điện mặt trời Phước Hữu, Ninh Thuận. Hay mới đây, Tập đoàn Hà Đô đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 (Bình Thuận).
Được biết, nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 có tổng công suất lắp đặt là 48 MWp (40 Mwac) trên diện tích 58,1 ha, đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến của các nước G7, sử dụng loại tấm pin có hiệu suất rất cao lên tới 19,4%. Nhà máy cung cấp 95-98 triệu kWh điện/năm, mang lại doanh thu xấp xỉ 200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường BĐS nhiều khó khăn, các doanh nghiệp BĐS đã chủ động tìm kiếm hướng đi cho riêng mình nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa doanh thu, sống vững trong giai đoạn thị trường bất động sản đang bão hòa. Các chuyên gia cũng cho biết, trong thời gian tới xu hướng liên kết giữa các doanh nghiệp BĐS hay đầu tư ngoài ngành sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.