Đặc biệt, sự dịch chuyển lao động một cách tự phát trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến nay đã và đang tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường lao động khi dịch bệnh được kiểm soát. Vậy giải pháp nào để giải bài toán thiếu hụt lao động sau giãn cách và các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại? Phóng viên VOV phỏng vấn TS. Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.
PV: Thưa ông Bùi Sĩ Lợi, ông có nhận định và dự báo như thế nào về thị trường lao động ở nước ta khi mà các địa phương bắt đầu mở cửa và nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đại dịch Covid 19 đã tác động lên mọi mặt nền kinh tế, xã hội, nhưng tập trung ở 2 yếu tố chính là cung và cầu, trong đó, trong thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về cung lẫn cầu lao động, dẫn đến nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng nhân lực khi một số lao động bị giảm việc làm, mất việc làm và thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Dự báo, khoảng 40 triệu lao động bị ảnh hưởng và gây hệ lụy xấu về mặt xã hội và đời sống. Tuy nhiên, khi các địa phương bắt đầu mở cửa thì bài toán thị trường lao động của chúng ta có rất nhiều biến động.
Dự báo đầu tiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài và người lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp thu hút lao động từ tỉnh ngoài, nguồn cung ứng lao động trở lại làm việc bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng.
Thứ hai, chi phí sử dụng lao động trong thời kì này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm để thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động nhằm tránh lây nhiễm virus. Thứ ba, nghịch lý lớn nhất của cung cầu lao động là chúng ta phải đối mặt với tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa. Nơi thiếu thì làm cho sản xuất bị đình trệ, nơi thừa thì gây ra tình trạng thất nghiệp và các vấn đề xã hội phức tạp, hình thành nên một đội ngũ thất nghiệp khi rất đông người lao động “chạy dịch” về quê, những người bị mất việc làm do các doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động hoặc là cắt giảm quy mô để vượt qua khó khăn của đại dịch.
PV: Các địa phương cho phép lao động lựa chọn về quê hoặc ở lại thành phố khi dịch bệnh ổn định thì dự kiến số lao động về quê tiếp tục tăng. Như vậy doanh nghiệp có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất. Thời gian tới có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh lao động giữa các nhà máy, các ngành nghề với nhau. Có lẽ đây cũng là một bài toán rất nan giải khi mở cửa trở lại, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Điều này là đương nhiên, bởi khi cung lao động thấp hơn cầu sử dụng và sự biến động lao động. Khi người lao động di chuyển về địa phương rồi mà không quay trở lại có hai nguyên nhân: Nguyên nhân thứ nhất là họ rất khó khăn do đại dịch, và quan trọng nhất là tâm lý họ vừa trải qua cú sốc của dịch bệnh nên nguồn nhân lực khó dịch chuyển trở lại thị trường lao động. Và như vậy sẽ xảy ra nghịch lý là nơi sẽ thiếu lao động, nơi thừa lao động, có thể là hiện tượng thất nghiệp ảo thôi. Thế cho nên nó sẽ tác động đến các doanh nghiệp, đến nguồn cung lao động và thị trường lao động mất cân đối cục bộ trong điều kiện chúng ta phải tính toán và đưa ra giải pháp để cân bằng mối cung cầu về lao động này.
PV: Hiện Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự kiến 3 kịch bản cho thị trường lao động trong thời gian tới, với 3 mức: tốt, thường và xấu. Ông có quan điểm như thế nào về giải pháp cũng như các kịch bản mà ngành lao động đưa ra? Theo ông đâu là những giải pháp cần phải triển khai ngay để ổn định thị trường lao động, tránh xảy ra nghịch lý cung cầu lao động khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, chúng ta phải chuẩn bị cả 3 kịch bản, nhưng chúng ta phải tập trung nghiên cứu kịch bản xấu nhất để tránh bất ngờ có thể diễn ra, đại dịch có thể không dừng lại và phát triển ở mức cao hơn. Giải pháp cần triển khai ngay để ổn định thị trường lao động, mục tiêu là chúng ta tránh để xảy ra nghịch lý cung cầu lao động khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại bình thường.
Theo tôi, đứng trước cú sốc này, Nhà nước phải nhanh chóng thực hiện những giải pháp mạnh, trước hết là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sau đó là phát triển kinh tế. Đối với thị trường lao động, thì phải thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các Trung tâm dịch vụ việc làm. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và để đào tạo người lao động quay trở lại thị trường. Sau đó nhanh chóng đưa doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Và sau cùng đề ra kế hoạch mới để chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp đặc điểm, tình hình của thị trường lao động sau đại dịch Covid 19. Người lao động và doanh nghiệp phải có sự phối kết hợp chặt chẽ và Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.
PV: Với những giải pháp như ông vừa nêu thì theo ông, vai trò của các Trung tâm dịch vụ việc làm ở giai đoạn này như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Trung tâm dịch vụ việc làm chính là đơn vị công lập, chức năng là tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí với mạng lưới rộng khắp, đa dạng. Trung tâm dịch vụ việc làm phải là chỗ dựa vững chắc cho tất cả các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là những lao động yếu thế. Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động có thể thực hiện qua nhiều hình thức, trực tiếp, gián tiếp qua cổng thông tin điện tử về việc làm, qua website, qua điện thoại, tin nhắn để tạo thành mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, có tính liên thông.
Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đòi hỏi các Trung tâm dịch vụ việc làm phải tổ chức thu thập, cập nhật thông tin, vị trí việc làm còn trống. Chia sẻ thông tin trên toàn quốc để kết nối thông tin cung cầu lao động trên thị trường. Định kỳ chúng ta phải phân tích, đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn các địa phương để giải quyết 2 nhóm giải pháp quan trọng là hỗ trợ cho doanh nghiệp và xử lý vấn đề có liên quan đến chính sách của người lao động như là chính sách BH thất nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!