Hàng loạt các doanh nghiệp cảng biển trên cả nước đã đồng loạt công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong quý 3.
Theo đó về doanh thu, các doanh nghiệp cảng biển thu về hơn 5031 tỷ đồng tăng 11% so với cùng kỳ trong đó đáng chú ý nhất là mức tăng trưởng doanh thu vượt trội của Transimex (TMS), riêng quý 3 doanh nghiệp này có 961 tỷ đồng doanh thu tăng tới 64% so với cùng kỳ, tiếp đó cả Sotrans (STG), Đại lý GNVT Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) và Cảng Đồng Nai (PDN) đều có mức tăng trưởng doanh thu đạt 2 con số.
Các doanh nghiệp cảng biển còn lại có mức tăng trưởng doanh thu biến động chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ - Đây là tín hiệu tích cực của ngành cảng biển bởi trước đó trong 2 quý đầu năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng.
Nhờ cải thiện về doanh thu mà lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp cảng biển cũng có lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý 3, theo đó có tới 11 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó đáng chú ý nhất là Cảng Quy Nhơn (QNP), sau khi trừ các khoản chi phí QNP lãi sau thuế 31,8 tỷ đồng tăng 77% so với quý 3/2019. Sotrans (STG) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lơi nhuận 67% trong quý 3, trong KQKD quý 3 của STG còn có sự đóng góp của gần 15 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Tiếp đó TMS, SGP và DXP cùng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50% trong quý 3.
Cảng Hải Phòng (PHP) mặc dù có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3 chỉ là 16% so với quý 3 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 121 tỷ đồng. Tuy nhiên mức lãi này đủ giúp PHP vượt GMD trở thành doanh nghiệp cảng biển lãi cao nhất trong quý 3.
Cảng Đồng Nai (PDN) nhờ tiết giảm chi phí đáng kể, kết quả PDN đạt 48,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22% so với lợi nhuận đạt được quý 3/2019. Đây là quý mà công ty ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi lên sàn giao dịch đến nay.
Ở chiều ngược lại mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất thuộc về Gemadept (GMD) khi doanh nghiệp này công bố lợi nhuận quý 3 giảm 39% so với cùng kỳ, doanh nghiệp lý giải kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường giảm, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết cũng giảm. Tiếp đó TCL, HAH, CLL, DVP cũng có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên kết quả này so với hai quý đầu năm thì vẫn là khả quan bởi đã có sự hồi phục cả doanh thu và lợi nhuận.
Bức tranh kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của nhóm doanh nghiệp cảng biển cũng khá khả quan khi đa phần doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu hoặc chỉ giảm nhẹ cá biệt có mức giảm doanh thu lớn của Cảng Sài Gòn (giảm 17,6%), tiếp đó Cảng Đình Vũ (10,7%). Về lợi nhuận ghi nhận mức tăng cao ở các doanh nghiệp Cảng Xanh VIP (42,2%), Transimex (39,3), Cảng Quy Nhơn (23,9), ngoài ra mức giảm lãi mạnh nhất thuộc về Sotrans (STG) giảm 45,3% do trước đó 2 quý đầu năm doanh nghiệp này thua lỗ.
Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2020 đa phần các doanh nghiệp cảng biển đã đảm bảo được tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh do cổ đông giao phó cá biệt có Xếp dỡ Hải An (HAH) đã vượt 8% mục tiêu về lợi nhuận, các doanh nghiệp STG, VSC, VGR cũng đang có tỷ lệ hoàn thành mục tiêu về lợi nhuận trên 90%.
Trên sàn nhóm cổ phiếu cảng biển cũng có mức giá tăng trưởng đáng chú ý trong những tháng gần đây, các cổ phiếu GMD, CDN, VSC có lượng giao dịch khá sôi động.