CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã công bố báo cáo tài chính doanh nghiệp quý 3/2021.
Cụ thể, doanh thu thuần của BAF trong quý 3 đạt 3.815 tỷ đồng, tăng 2.091 tỷ đồng tương ứng gấp tới 2,2 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng 123% nên lợi nhuận gộp của VEAM tăng lên mức 72 tỷ đồng, tương ứng tăng 57%.
Đặc biệt, chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay trong kỳ chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, giảm mạnh 93% so với cùng kỳ 2020. Do đó, bất chấp chi phí bán hàng và chi phí QLDN tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BAF trong quý 3 vẫn tăng 363% lên hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 9 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu của BAF đạt 9.066 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính đạt gần 7 tỷ, giảm 94% so với cùng kỳ trong khi chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt gấp 8 lần và 4 lần cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của BAF vẫn tăng 216 tỷ đồng lên mức 245 tỷ đồng, tương đương gấp hơn 8 lần.
Theo giải trình từ ban lãnh đạo doanh nghiệp lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như yếu tố không thuận lợi từ thị trường thị trường thịt heo, song do kiểm soát được chi phí cũng như đảm bảo năng suất đàn heo nên kết quả kinh doanh hợp nhất của BAF vẫn rất tích cực.
Mặt khác, do năm 2021 công ty chuyển dịch mạnh mẽ từ hoạt động kinh doanh nông sản thuần túy sang ngành chính là chăn nuôi nên tỷ suất lợi nhuận cũng tăng cao.
Tại thời điểm 30/9/2021, BAF có tổng tài sản 7.483 tỷ đồng, 2.237 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó phải thu khách hàng ngắn hạn chiếm tới 4.391 tỷ đồng, tăng 872 tỷ đồng so với đầu năm.
Vay ngắn hạn hơn 35 tỷ đồng (tăng 25 tỷ so với đầu năm) và vay dài hạn hơn 56 tỷ đồng (giảm 8 tỷ so với đầu năm). Vốn góp chủ sở hữu là 780 tỷ đồng, ngoài ra thặng dư vốn cổ phần ghi nhận gần 280 tỷ đồng. Cuối quý 3, BAF vẫn còn gần 312 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối.
Hai dự án nuôi heo vốn 1.240 tỷ đồng, kế hoạch niêm yết trên HoSE
BAF được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo từ năm 2017. Thương hiệu BAF (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến.
Theo kế hoạch đến năm 2021, Công ty sẽ cung cấp 250,000 heo thương phẩm, năm 2022 là 550,000 heo thương phẩm/năm và đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi heo thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.
Hồi tháng 6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chăn nuôi của BAF ở huyện Tân Kỳ với tổng vốn đầu tư đạt 1.240 tỷ đồng; gồm trang trại chăn nuôi heo thịt thương phẩm theo mô hình trại lạnh khép kín có công suất thiết kế 60.000 heo thịt thương phẩm/lứa và trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản và heo thịt thương phẩm theo quy mô trại lạnh khép kín có công suất thiết kế 5.000 heo nái sinh sản và 60.000 heo thịt thương phẩm/lứa.
Vào ngày 22/09/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 78 triệu cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, vốn điều lệ tương ứng là 780 tỷ đồng.
Trước đó vào đầu tháng 9, BAF thông báo đã chào bán thành công 28 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá 20,000 đồng/cổ phiếu; số tiền thu về là 560 tỷ đồng.