Những ngày qua, thị trường hàng hoá thế giới đã chứng kiến nhiều biến động cực kì mạnh mẽ của các mặt hàng từ dầu thô cho đến nông sản. Lo ngại về lạm phát đang đè nặng và là mối đe doạ đối với sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Ở Việt Nam, ngành chăn nuôi đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề kể từ quý II năm ngoái, với cụm từ thường được nhắc tới trong giai đoạn này là "chu kỳ siêu tăng giá hàng hoá". Giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng phi mã, nhưng giá thịt đầu ra lại lao dốc khiến cho các doanh nghiệp chao đảo.
Hiện nay, mặc dù vẫn ở mức thấp nhưng giá thịt đã kịp bình ổn trở lại. Tuy nhiên, áp lực về chi phí sản xuất vẫn không ngừng tăng lên khi cơn sốt giá nông sản đang quay trở lại trong vài tháng qua và thậm chí còn mạnh mẽ hơn năm ngoái.
Giá nông sản đồng loạt leo thang đầu năm
Mặc dù là quốc gia đứng đầu đầu trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhưng Việt Nam lại phụ thuộc tới gần 80% nguồn cung nguyên liệu từ nhập khẩu. Chính vì thế nên biến động giá nông sản thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tính từ đầu năm tới nay, giá hợp đồng kì hạn đối với ngô đã tăng 25%. Một mặt hàng khác cũng được sử dụng trong nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là lúa mì cũng trải qua mức nhảy vọt lên tới hơn 50%.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho đà tăng này cũng như năm ngoái khi các quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới không nhận được sự ủng hộ từ thời tiết. Hạn hán nghiêm trọng tại Argentina và miền trung Brazil đã khiến cho mùa vụ ngô và đậu tương thiệt hại nặng nề. Chất lượng cây trồng hiện tại cũng sụt giảm mạnh và đang ở ngay gần mức thấp nhất trong cả niên vụ.
Dự báo thời tiết cho thấy độ ẩm đang được cải thiện dần ở các khu vực gieo trồng chính ở Argentina nhưng lượng mưa này sẽ chỉ duy trì tình trạng hiện tại của cây trồng và khó có thể bù đắp lại những thiệt hại trước đó. Trong báo cáo vừa phát hành vào 12h đêm qua, Bộ nông nghiệp Mỹ cũng đã cắt giảm sản lượng đậu tương đậu tương của Brazil từ mức 134 xuống mức 127 triệu tấn.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng đóng góp không nhỏ trong sự leo thang của giá nông sản, đặc biệt là giá lúa mì. Khoảng 1/4 nguồn cung xuất khẩu lúa mì thế giới đến từ 2 quốc gia ở khu vực Biển Đen này. Các hoạt động chiến sự gây ra gián đoạn đến hoạt động vận chuyển nông sản của các tàu thương mại, khiến cho các quốc gia nhập khẩu đang phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung thay thế khác.
Nhu cầu ngắn hạn đột ngột tăng vọt trong đã khiến cho giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Không những thế, hoạt động gieo trồng cho mùa vụ sắp tới ở Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như các cảng chưa hoạt động trở lại.
Hoạt động vận tải khó khăn
Giá nhập khẩu các mặt hàng nông sản về nước ta bao gồm 2 thành phần: giá tham chiếu và giá basis. Giá tham chiếu là giá hợp đồng kỳ hạn được giao dịch liên thông với thế giới qua Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), còn basis sẽ phụ thuộc vào chi phí giao nhận. Không chỉ nông sản, giá nhiên liệu như dầu thô tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng góp phần tạo áp lực lên các doanh nghiệp nhập khẩu do cước phí vận tải kéo theo basis tăng lên.
Có thể nói rằng, những yếu tố gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong năm ngoái vẫn lặp lại một lần nữa. Nếu như việc các tàu hàng tắc nghẽn và việc tìm container rỗng là thách thức với vận tải năm 2021 thì giá xăng dầu lại là bài toán chưa được giải quyết ở thời điểm hiện tại.
Cái khó ló cái khôn
Trước tình hình chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước quyết định chạy theo thị trường mua hàng hay chờ thêm đến lúc giá hạ xuống. Tuy nhiên, áp lực phụ thuộc vào giá cả thế giới trở nên rõ ràng hơn hết trong 2 năm qua cũng tạo ra thử thách đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và vươn lên khác biệt.
Nguồn cung thay thế từ Ấn Độ là một lựa chọn cạnh tranh hơn về giá khi thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng ngô và lúa mì trong những năm qua. Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tính từ đầu năm 2022 cũng tăng mạnh với kim ngạch đạt 79 triệu USD, tăng 450% so với năm ngoái. Không những thế, các nhà máy sản xuất còn chọn giải pháp thay thế một số nguyên liệu như sắn lát, gạo tấm,..
Theo MXV, trong giai đoạn giá tăng chóng mặt, các doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phòng hộ giá bằng hợp đồng tương lai để giảm thiểu rủi ro và quản trị chi phí hiệu quả tối ưu nhất có thể.
Bối cảnh hiện tại vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để tạo ra sự khác biệt. Việc áp dụng những đổi mới và cải tiến không chỉ trong sản xuất mà còn từ quá trình kiểm soát rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp có thể giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.