Đủ cách xoay tiền
Anh Ngô Văn Tùng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại đường Trường Sa (quận 3, TP.HCM) cho biết, từ tháng 9/2022 đến nay, doanh nghiệp của anh không có được giao dịch bất động sản nào dù vẫn có hàng để bán.
Với dòng tiền dự trữ ít ỏi, anh đủ gồng để trả lương cho hơn 30 nhân viên môi giới cùng tiền thuê văn phòng công ty tới tháng 12 thì đã "cạn túi".
"Mỗi tháng chi phí hoạt động của công ty là hơn 430 triệu, vì không có giao dịch thành công nên không có nguồn thu. Một phần nữa chính các chủ đầu tư dự án chúng tôi bán cũng không có tiền để thanh toán các khoản hoa hồng môi giới trước đó nên công ty lâm vào cảnh khó vô cùng", anh Tùng kể.
Tiếp câu chuyện, anh Tùng cho biết, tới đợt chi trả lương và thưởng tết tháng 1/2023, doanh nghiệp anh đã không còn tiền, hỏi vay mượn bạn bè ai cũng kẹt, liên hệ ngân hàng vay cũng không được bởi thủ tục ngân hàng cần doanh nghiệp hoạt động 3 năm và doanh thu lãi phải trên 6 triệu nhưng công ty anh Tùng mới hoạt động được hơn 1 năm. Cầm tài sản là bất động sản hay xe ô tô cũng bị từ chối vì cuối năm ngân hàng hết room tín dụng cho vay.
Giải pháp cuối cùng để có thể làm được đó là anh Tùng mang chiếc ô tô mình đang đi ra tiệm cầm đồ F88 để cầm với số tiền 500 triệu đồng. "Giải pháp tình thế là cầm ô tô để có tiền trả lương cho nhân viên. Thực sự đây cũng là cách cuối cùng mà tôi có thể làm để có tiền giúp công ty tồn tại", anh Tùng nói.
Chị N.T.H, giám đốc một công ty xây dựng tại đường Hồng Hà (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng lâm vào cảnh phải xoay tiền để tồn tại.
Chị H kể, doanh nghiệp chị làm xây dựng nhưng từ tháng 10/2022 doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn về dòng tiền hoạt động, chi trả lương cho nhân viên cũng như thanh toán công nợ. Chị H chật vật đi xoay dòng tiền nhưng tất cả đều rơi vào bế tắc, vay ngân hàng cũng không có tài sản đảm bảo nên không thể vay.
"Cuối cùng nhân viên ngân hàng tư vấn tôi mở thẻ visa với hạn mức cao, từ 200 tới 350 triệu mỗi thẻ và mở ở nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó sẽ có đội tới công ty cà thẻ theo dạng mua hàng tiêu dùng rồi họ sẽ chuyển lại số tiền đã cà cho mình và mình mất phí cà thẻ đó. Giờ đây tôi đã làm tới 6 thẻ visa của 6 ngân hàng khác nhau, khi đáo hạn thanh toán thẻ thì sẽ có dịch vụ tới đáo hạn cho và tiếp tục mất phí này", chị H kể.
Còn ông Lê Thạnh, chủ doanh nghiệp dược tại quận 10 thì cho biết mình phải đi vay nóng dịch vụ tài chính bên ngoài để có tiền chi trả công nợ cũng như tiền chi phí hoạt động khác.
"Tôi có tài sản là bất động sản, thế nhưng khi chào bán cả 4 tháng nay không ai mua, lý do không thể cầm ngân hàng bởi bất động sản là chung cư, đất nền chưa có sổ và vẫn là hợp đồng mua bán, cái này thì ngân hàng không thể cho vay. Cuối cùng tôi phải vay nóng tài chính bên ngoài với mức 20% giá trị khoản vay/tháng. Nghĩa là tôi vay 100 triệu sẽ mất 20 triệu lãi mỗi tháng và họ sẽ thu lãi ngay khi giải ngân", ông Thạnh nói.
Cũng theo ông Thạnh thì đây là giải pháp tình thế buộc phải làm, nếu không làm sẽ gặp khó khăn và có thể đóng cửa doanh nghiệp.
Cái khó bó chặt doanh nghiệp
Ông H.T.T, chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản tại huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết đã 4 tháng nay doanh nghiệp của ông không có một giao dịch bán hàng thành công, trong khi định biên mỗi tháng doanh nghiệp phải chi là hơn 1,7 tỷ đồng cho việc trả lương, thuế, cũng như tiền thuê trụ sợ công ty.
"Tôi đã không thể gồng gánh nổi nữa và tình trạng kéo dài không giao dịch này có thể tôi sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp vào tháng 6 tới. Mới đây tôi đã phải gửi thông báo tới chủ nhà cho thuê văn phòng rằng xin chậm thanh toán tiền nhà, lương nhân viên cũng bắt đầu phải cắt giảm", ông T nói.
Lý do mà công ty ông gặp khó đó là đầu năm ông đổ dòng tiềm mua dự án, và đóng tiền sử dụng đất để ra pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng siết cho vay tín dụng mua bất động sản, cộng thêm lãi suất vay quá cao đã làm ảnh hưởng tới tâm lý mua bất động sản đầu tư của người dân và hiện không ai dám xuống tiền mua nhà.
Cũng theo ông T, tình trạng khó khăn này không chỉ doanh nghiệp ông đang gặp phải mà rất nhiều doanh nghiệp địa ốc khác đang trong tình trạng như của doanh nghiệp ông. "Cái khó khăn của thị trường, của dòng tiền đang bóp chặt sự phát triển của doanh nghiệp chúng tôi", ông T nói.
Theo ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group thì hiện có 3 nút thắt chính đang "bóp chặt" các doanh nghiệp phát triển và tồn tại đó là dòng tiền, pháp lý dự án và lãi suất cho vay của các ngân hàng đang quá cao.
"Để tồn tại và phát triển thì doanh nghiệp địa ốc phát triển theo mô hình có dòng tiền mua quỹ đất làm dự án tạo ra sản phẩm để bán thu tiền về. Nhưng hiện nay, tiền không có, sản phẩm không bán được, còn pháp lý dự án đều bị tắc do chậm được gỡ vướng", ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, hiện nay các doanh nghiệp địa ốc đều đã làm đủ mọi cách để "thắt lưng buộc bụng" như cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ, cắt giảm nhân sự… nhưng với thực tế thị trường như hiện nay, doanh nghiệp thực sự mất phương hướng để phát triển.
"Thị trường bất động sản thời gian tới diễn biến ra sao, doanh nghiệp có thể tồn tại được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc những khó khăn nêu trên được tháo gỡ như thế nào trong 1-2 tháng tới", ông Thiện nói.
Còn ông Lê Thạnh chủ doanh nghiệp dược tại quận 10, TP.HCM thì cho rằng hiện nay các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn chủ yếu nhắc tới ngành bất động sản, tuy nhiên các ngành như sản xuất, tiêu dùng cũng đang trong thế "kẹt cứng" dòng tiền. Vậy cũng nên có các chính sách cụ thể hỗ trợ vay cho các doanh nghiệp nhiều ngành nghề khác nhau.
"Liên quan tới nguồn vốn, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân, cơ chế xếp loại và kiểm soát cho vay trong các ngành khác nhau không chỉ có bất động sản. Đặc biệt, cần có một chính sách quyết liệt, cụ thể là cho phép doanh nghiệp được cơ cấu nợ, giãn nợ để tránh trường hợp "nhảy nợ", tạo điều kiện giải ngân các khoản vay mới để doanh nghiệp có nguồn tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Thạnh nói.