Với phía doanh nghiệp châu Âu, đó là việc mở ra cơ hội gia tăng đầu tư trực tiếp vào thị trường công hay việc đồng bộ hoá quy trình xuất nhập khẩu.
Đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1991, doanh nghiệp gia đình của ông Alann Bouvot, Giám đốc công ty Sodex, một công ty Pháp chuyên sản xuất dụng cụ thể thao có trụ sở tại Nha Trang đón nhận việc hai Hiệp định tự do thương mại và Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam được ký kết là một quyết định đúng đắn và là điều phải đến khi mối quan hệ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng rất nhanh trong những năm qua.
Tuy nhiên, ông Bouvot cũng cho rằng, một khi sự háo hức đối với Hiệp định này qua đi, các doanh nghiệp hai phía sẽ phải nhanh chóng thích nghi với thực tế và lựa chọn một cách tiếp cận phù hợp. Do Việt Nam dù là một mảnh đất nhiều hứa hẹn nhưng không còn quá xa lạ và cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua, tính cạnh tranh tại Việt Nam đang ngày càng cao hơn.
Công ty Sodex, một công ty Pháp chuyên sản xuất dụng cụ thể thao có trụ sở tại Nha Trang. (Ảnh: KT)
Việc có mặt ở Việt Nam cũng cho phép chúng tôi phát triển các thị trường khác như Campuchia, Malaysia, Indonesia hay Hàn Quốc. Công ty của tôi ngày nay sản xuất theo những chuẩn mực quốc tế và việc hiện diện ở Việt Nam mang ý nghĩa trung tâm then chốt. Ông Bouvot bày tỏ lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam: "Chúng tôi đã ở Việt Nam 27 năm. Môi trường kinh doanh ổn định, việc đối thoại với chính quyền, với Uỷ ban nhân dân hay với các cơ sở hành chính đã dễ dàng hơn trước. Từ năm 2017, chúng tôi đã quyết định đầu tư thêm một cơ sở sản xuất nữa, rộng 15.000 m2".
Với Hiệp định EVFTA, sẽ có việc giảm các hàng rào thuế quan, nhưng không nên chỉ để ý đến việc đó. Còn nhiều khía cạnh khác rất đáng kể như vấn đề môi trường, việc cải thiện thủ tục hành chính và đồng bộ hoá với phía châu Âu. Đó đều là những điều mà các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang chờ đợi".
Đối với chuyên gia kinh tế Alessandra Bonfiglioli của Trường Kinh tế và Tài chính Queen Mary thuộc Đại học London (Anh), bên cạnh việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, điều quan trọng hơn EVFTA trao cho các doanh nghiệp châu Âu điều kiện thuận lợi hơn để tham gia vào thị trường công của Việt Nam, với các dự án cơ sở hạ tầng hay y tế có thể lên tới hàng tỷ euro.
Ngoài ra, với đặc thù của thị trường lao động Việt Nam là có tay nghề cao nhưng chi phí nhân công tương đối thấp, Việt Nam đã và đang nhanh chóng hướng đến các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao như điện thoại, sản phẩm điện tử, thay vì các ngành xuất khẩu truyền thống như may mặc hay nông nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp châu Âu có thể đầu tư trực tiếp thông qua việc mua bán-sáp nhập hay triển khai các dự án mới trong các lĩnh vực như đồ uống, xăm-lốp ô tô, vật liệu xây dựng.
Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế-chính trị Francois Di Meglio, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Paris, đơn vị từng tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn về EVFTA và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chia sẻ. Ông Di Meglio cho rằng, một trong những điều đáng chú ý nhất trong Hiệp định EVFTA là sự bổ trợ cho nhau rất lớn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
"Việt Nam có sự bổ trợ rất lớn cho các ngành công nghệ cao của châu Âu bởi vì các công ty châu Âu có tiềm năng rất lớn về công nghệ để song hành cùng khả năng sản xuất của Việt Nam. Đó là cơ hội cho đầu tư của châu Âu vào Việt Nam. Ngoài ra, đương nhiên là còn lĩnh vực cơ sở hạ tầng bởi vì nhiều người hay quên rằng châu Âu cũng có những tập đoàn rất mạnh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong một số lĩnh vực đặc thù như cảng biển. Mà Việt Nam lại là đất nước then chốt trong khu vực Đông Nam Á của thị trường này" ông Francois Di Meglio nói.
Là người từng nhiều năm đưa các đoàn doanh nghiệp Pháp và châu Âu về nghiên cứu môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp – ABVietFrance cho biết, Hiệp định EVFTA được các doanh nghiệp châu Âu chờ đợi từ lâu vì Hiệp định này cho phép các doanh nghiệp châu Âu xâm nhập vào một số lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng cầu cảng, bệnh viện, công nghiệp thực phẩm cũng như dịch vụ công nghệ cao.
Tuy nhiên, ông Nam đánh giá Hiệp định này mang lại nhiều lợi ích hơn cho phía doanh nghiệp Việt Nam, với việc xoá bỏ hầu như toàn bộ rào cản thuế quan. Vấn đề cần lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Nguyễn Hải Nam, đó là cần nhanh chóng cải thiện quy trình quản lý doanh nghiệp bởi EVFTA đặt ra nhiều quy định về môi trường, về điều kiện lao động cũng như xuất xứ hàng hoá./.