Tại Hội thảo “Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới - những điều doanh nghiệp cần biết” do Bộ Công Thương và đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức chiều 19/12, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO.
Tuy nhiên, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân doanh nghiệp.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin về các chính sách phòng vệ thương mại. |
Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Trung, thời gian qua các nền kinh tế trên thế giới đã hình thành hai xu thế trái ngược nhau. Một mặt, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tự do hoá thương mại thông qua việc thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương trong bối cảnh vòng đàm phán Doha rơi vào bế tắc.
Trong khi đó, một số quốc gia có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng hộ thương mại , đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
“Việc vừa tự do hoá thương mại vừa sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được coi là phù hợp với các quy định của WTO, để bảo hộ thị trường nội địa là điểm nhấn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn hiện nay”, ông Trung nhận định.
Theo ông Trung, công cụ phòng vệ thương mại mà WTO và các FTA cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Theo số liệu của WTO, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ.
“Số các biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra này chưa tính tới biện pháp chống lẩn tránh, chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này”, ông Trung thông tin./.