Tại một cuộc hội thảo về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang có chỉ ra một trong những khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải hiện nay, đó là sự nhũng nhiễu của các phóng viên, nhà báo. Theo đại diện này, doanh nghiệp hiện nay rất sợ báo chí.
Khá nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn về những tiêu cực của báo chí, như sự thiếu tích cực của báo chí, thông tin không chính xác..., gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây có thể là "lỗi" về mặt nhận thức thuần túy, về chuyên môn do nắm bắt thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác.
Nhưng cũng có một nguyên nhân khác, đó là do bản thân nhà báo khi đến doanh nghiệp với động cơ không trong sáng, vụ lợi. Tuy nhiên, đôi khi sai phạm của nhà báo cũng bắt nguồn từ động cơ của chính doanh nghiệp. Bởi một số doanh nghiệp mượn báo chí để nhằm vào những điểm yếu của đối thủ cạnh tranh...
Sợ không phải là ghét bỏ
Bình luận về ý kiến trên, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, ở góc độ nào đó nhận định trên có thể đúng. Nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ không bao giờ ngại cơ quan báo chí, và đương nhiên cơ quan báo chí ủng hộ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hiện nay sợ cơ quan báo chí phản ánh về doanh nghiệp một cách không đầy đủ. Hoặc số ít phóng viên có ác ý với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu có lợi cho mình hay một nhóm người nào đó thì doanh nghiệp sẽ mất đi uy tín, thương hiệu của mình. Nhưng đây không phải là hiện tượng phổ biến.
Hiện nay báo chí không những đồng hành với doanh nghiệp mà phải đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước, với bạn đọc, thậm chí cả với khách hàng của doanh nghiệp. Muốn "đồng hành" được rất cần sự nỗ lực từ hai phía.
Nếu doanh nghiệp làm sai, báo chí đưa tin, khi đó liệu có được hiểu là báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp không? Khi báo chí đưa tin về hiện tượng làm chưa đúng của doanh nghiệp, điều này phải hiểu là đang đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng hành với số lượng lớn, với việc làm tốt, với đại bộ phận doanh nghiệp làm ăn kinh doanh nhưng phải tôn trọng pháp luật.
"Nếu hiểu đồng hành là chỉ phản ánh cái tốt, còn dung túng cái xấu thì như vậy là khập khiễng. Bởi khi cái xấu được phản ảnh qua báo chí, bản thân doanh nghiệp cũng phải suy nghĩ, điều chỉnh lại mình, còn các doanh nghiệp khác cũng rút ra được bài học cho mình trong quá trình phát triển, biết được đâu là đúng hay sai để tiếp tục phát huy hay dừng lại", ông Nam chia sẻ.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, sợ không phải là ghét bỏ. Cuộc sống của doanh nghiệp vô vàn khó khăn, họ ngại khi báo chí nói không đúng, không hết về họ, báo chí phản ánh những tiêu cực nhiều hơn tích cực về họ. Song hầu hết doanh nghiệp đều khẳng định báo chí rất quan trọng với quá trình phát triển của họ. Quan trọng cả trong kết nối, truyền thông, cả bản thân họ xây dựng thương hiệu và phát triển.
Theo ông Thành, mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp rất cần sự gắn bó. Song việc kết nối, quen biết, hiểu biết lẫn nhau, bổ sung cho nhau của báo chí và doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu mối quan hệ đi quá mức, đến giai đoạn thân hữu lại là dở, là tiêu cực. Cho nên, quan hệ này cần đàng hoàng thì mới lâu bền. Bản thân hai bên đã có giá trị thì cần đàng hoàng, điều này quan trọng hơn minh bạch.
Đàng hoàng bao gồm cả cái tâm, mang lại điều tốt đẹp cho cả 2 phía và cho cả xã hội. Nếu doanh nghiệp dùng báo chí, mua báo chí để đánh bóng quá mức của mình là không hay. Ngược lại, báo chí thấy doanh nghiệp sai mà "ép" thì cũng không được. Báo chí hãy đến với doanh nghiệp bằng mong muốn tích cực dù doanh nghiệp có khó khăn, có sai lầm.
Bồi đắp mối quan hệ
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme thừa nhận, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng không thể thiếu sự đồng hành của báo chí. Sự phát triển của doanh nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của báo chí khi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh... Trong đó, suốt những năm qua, báo chí đã phát huy vai trò của mình.
Không chỉ là kênh thông tin quan trọng, cầu nối hữu hiệu truyền tải, phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý và người dân, mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát khủng hoảng đối mặt hàng ngày như rủi ro về nhân sự, về chất lượng sản phẩm... cũng như có thể quảng bá sản phẩm một cách tốt nhất.
Ông mong rằng những người làm báo tiếp tục đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, truyền tải tiếng nói, quan điểm, góp ý về các chủ trương, chính sách và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp ra công chúng. Về phía doanh nghiệp, muốn xây dựng được thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng cần tạo ra mối quan hệ với báo để truyền tải thông tin. Bởi doanh nghiệp thông qua báo chí sẽ thông tin kịp thời cả hình ảnh, cũng như thiếu sót tới khách hàng và người tiêu dùng...
Còn theo ông Nam, mối quan hệ "báo chí - doanh nghiệp" sẽ ngày càng mật thiết. Vì xu hướng báo chí hiện nay là phải tự chủ về kinh phí hoạt động, tức ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, kinh phí duy trì hoạt động báo chí phải từ dịch vụ quảng báo của doanh nghiệp là chính. Ngược lại, doanh nghiệp rất cần tiếng nói của báo chí trong quá trình phát triển của mình. Do đó, mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp phải sát lại với nhau, trong sự tồn tại lẫn nhau.
Tuy nhiên, để mối quan hệ bền chặt, khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo chí cần thông tin một cách chính xác, không nên nói quá, không chân thực về sản phẩm, dịch vụ của mình. Bởi chính điều này sẽ tác động ảnh hưởng lâu dài tới doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng tới cả cơ quan báo chí vì tuyên truyền không đúng.
Còn ở khía cạnh nhiều ý kiến cho rằng, khi thông tin về doanh nghiệp như con số doanh thu, lợi nhuận... được đăng tải trên báo chí khi đó doanh nghiệp sợ mình sẽ bị cơ quan thuế thanh kiểm tra.
Theo ông Nam, nỗi sợ này chỉ là trong quá khứ, khi Chính phủ chưa có quy định chỉ thanh tra một lần/năm. Ngược lại, nếu trung thực về con số thì rõ ràng không có gì ngại ngùng khi đăng tải trên báo, điều này lại chính là xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Ở phía báo chí, phải "nghe bằng hai tai", tiếp cận thông tin một cách trung thực, chính xác. Nếu không tiếp cận, phân lượng thông tin, vô tình báo chí có thể gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp.
Báo chí cũng cần vai trò phản biện
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Quan hệ báo chí với doanh nghiệp luôn có 2 mặt. Đó là báo chí chính thống, chân chính bao giờ và lúc nào cũng là bạn của doanh nghiệp, còn báo chí không chân chính luôn làm doanh nghiệp dè chừng.
Báo chí đưa thông tin không chính xác do được cung cấp thông tin không đúng nhưng ngược lại báo chí cũng không kiểm chứng, trong khi người đưa ra thông tin đó không có tâm, thì thực sự khi đó báo chí là tai hoạ cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, trước một bầu thông tin rất lớn từ báo chí chính thống, các mạng xã hội... nhưng tiếng nói từ báo chí chính thức lúc nào cũng quan trọng, đưa những thông tin một cách có trách nhiệm. Và đó chính là những thông tin tham khảo, định hướng quan trọng của doanh nghiệp. Báo chí chính là diễn đàn của doanh nghiệp, qua báo chí môi trường kinh doanh của nền kinh tế được phản ánh, là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Báo chí cũng là kênh để các doanh nghiệp kết nối với nhau, quảng bá hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp. Thậm chí báo chí là người thầy cho doanh nghiệp.
Không phải những lúc vui báo chí mới chia sẻ cùng doanh nghiệp mà ngay cả khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn báo chí cũng vẫn đồng hành, giống như bầu khí quyển của doanh nghiệp. Do đó, tôi ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề quy hoạch báo chí nhằm xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp. Song dù vậy, báo chí cũng cần có vai trò phản biện, dũng cảm nói lên tiếng nói của người dân và doanh nghiệp, có tính chất xây dựng. Điều này cũng nói lên trách nhiệm xã hội, chính trị của báo chí là vô cùng quan trọng.
Mong báo chí quản trị tốt sẽ có những nhà báo chân chính
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn
Trước hết cần khẳng định, vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng. Dưới góc độ của Sơn Hà, báo chí đã hỗ trợ giúp doanh nghiệp, doanh nhân nói lên được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của bản thân. doanh nghiệp, doanh nhân hiện đối diện rất nhiều khó khăn, nhưng báo chí ngày càng đồng hành, phản ánh trung thực và hỗ trợ sự phát triển sản xuất, kinh doanh.
Có hai vấn đề giữa mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp. Thứ nhất xuất phát từ tâm lý, đôi khi doanh nghiệp không tự tin, lảng tránh khi đối diện với các vấn đề báo chí phản ánh. Thứ hai, báo chí có những lúc gây áp lực, lẽ ra chia sẻ để doanh nghiệp được giải thích, tránh rơi vào tình trạng sợ, mất phương hướng giải quyết hay điều chỉnh hành vi chưa đúng, làm cho tốt lên. Đó là tùy tình huống dẫn đến tâm trạng lo ngại, doanh nghiệp càng tránh xa càng tốt. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nên chủ động nắm bắt bản chất sự việc như thế nào, rồi trao đổi thông tin sẽ tránh sự căng thẳng giữa hai bên.
Giải quyết được mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, Sơn Hà cũng có đại diện truyền thông luôn tư vấn, đưa ra sáng kiến nhỏ về việc doanh nghiệp hoạt động rất cần có sự đồng hành của báo chí để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào báo chí cũng thuận theo chiều như mong muốn của doanh nghiệp, họ còn phản ánh thực trạng các vấn đề liên quan, thậm chí nếu doanh nghiệp làm chưa đúng họ sẽ lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh hướng đi của mình, doanh nghiệp làm sai thì báo chí sẽ công bố gây sức ép để quay lại làm cho tốt.
Với Sơn Hà hoàn toàn đồng tình, chấp nhận với các hoạt động như vậy để hoạt động tốt hơn, có nghĩa cũng phải điều chỉnh chính bản thân mình mà tự chủ quan không thể làm được, cần có tiếng nói khách quan. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu được điều này, chưa biết cách và mấu chốt là cần cởi mở, chia sẻ với nhau, lắng nghe ý kiến đóng góp từ báo chí. Bởi đơn cử có nhiều nhà báo rất có tâm, có nghiệp vụ nhìn dưới góc độ đa chiều thẳng thắn chỉ ra, nếu doanh nghiệp đi theo hướng này sẽ gặp rắc rối cần điều chỉnh, lúc đó doanh nghiệp phải xem xét lại, điều chỉnh hướng phát triển cho đúng.
Còn về vấn đề trong bối cảnh có rất nhiều luồng thông tin từ chính thống và xã hội gây bất lợi, hoặc có hành động "vòi vĩnh" doanh nghiệp, tôi cho rằng bộ phận đó rất nhỏ, kể cả doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động chưa tốt vì cái chung. Tôi mong rằng, báo chí có cách quản trị tốt sẽ có những nhà báo chân chính giúp doanh nghiệp phát triển hơn, báo chí trở thành tiếng nói công bằng văn minh và hỗ trợ đưa thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời cũng nhắc nhở cảnh báo, phản ánh được các vấn đề tiêu cực để cho xã hội tốt đẹp hơn.