Mùa báo cáo kinh doanh quý 2 năm 2022 đã đi đến hồi kết. Kỳ này, thị trường chứng kiến không ít khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng tại các doanh nghiệp lớn, một điều hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Những cái tên có thể kể đến như nhóm các công ty chứng khoán trong bối cảnh kênh đầu tư này gặp nhiều trồi sụt trong nửa đầu năm nay; nhóm doanh nghiệp hàng không chưa thể hồi phục nhanh hậu COVID-19 hay kể cả một số doanh nghiệp xăng dầu.
Trong bối cảnh đó, nhóm doanh nghiệp công nghệ vẫn "sống khỏe" cùng các kết quả kinh doanh công bố đầy tích cực. Có thể thấy, nhóm công ty liên quan đến công nghệ - viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống ghi nhận hoạt động khả quan nhờ xu thế chuyển đổi số mạnh trong doanh nghiệp, Chính phủ... Trong quý 1 năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,4%. Đây được xem là những tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2022, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành công nghệ vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.
Xét cụ thể về kết quả kinh doanh, tính riêng trong quý 2/2022, hầu hết các doanh nghiệp công nghệ trên sàn chứng khoán đều ghi nhận kết quả tăng trưởng dương. Lợi nhuận ròng thu về thậm chí còn tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tại CTCP Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT), doanh thu quý 2 đạt 10.096 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, doanh thu tài chính của FPT tăng tới 110% lên hơn 506 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Kết quả, đơn vị này thu về 1.561 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 24% so với quý 2/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 25% lên 1.250 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận tổng doanh thu 19.826 tỷ đồng, tăng 22% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, khối công nghệ mang về 11.252 tỷ đồng doanh thu với doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng gần 65% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,... Doanh thu khối viễn thông cũng tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.077 tỷ đồng. Biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông được mở rộng từ 18,3% lên 19,2% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV. Còn với mảng giáo dục, nhờ nhu cầu học ngành công nghệ thông tin tăng đã góp phần thúc đẩy doanh thu 6 tháng của mảng này tăng 42% lên 1.935 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của FPT trong nửa đầu năm đạt 2.489 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Hai doanh nghiệp khác cũng thuộc hệ sinh thái FPT là Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã chứng khoán: FOX) và Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online, mã chứng khoán: FOC) cũng có những kết quả rất tích cực.
Trong quý 2, FPT Telecom (FOX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.605 tỷ đồng, tăng 13% so với so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu tài chính của doanh nghiệp tăng gấp đôi lên 201 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi. Tính đến cuối quý 2, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của FPT Telecom lên đến 12.690 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn (từ 3 đến 12 tháng) tại các ngân hàng. Nếu so sánh với cùng thời điểm năm ngoái, số dư tiền gửi của FPT Telecom thậm chí đã tăng gần 6.000 tỷ đồng. Kết quả, FPT Telecom lãi ròng 600 tỷ đồng trong quý 2, tăng 21% so với cùng kỳ và cũng là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý kể từ khi hoạt động. Tuy nhiên lợi nhuận ròng công ty mẹ đạt 569 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, FPT Telecom ghi nhận doanh thu đạt 7.076 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.161 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,5% và 21% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, cũng nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh lại không phát sinh chi phí tài chính do không có dư vay nợ thuê tài chính, FPT Online (FOC) lãi sau thuế 71,1 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng 17% so với số lãi đạt được quý 2/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu FPT Online đạt 350 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 125,6 tỷ đồng, tăng 22,7% so với số lãi hơn 102 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
Với Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã chứng khoán: VGI), kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong quý 2 cũng như nửa đầu năm 2022 của công ty đến từ việc doanh thu tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Viettel Global cũng gặp thuận lợi nhờ biến động của tỷ giá cùng với kết quả của các công ty liên liên doanh, liên kết cũng khởi sắc hơn đáng kể so với cùng kỳ.
Trong quý 2, doanh thu VGI đạt 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ so với cùng kỳ. Dù trích lập dự phòng phải thu tăng cao nhưng lợi nhuận trước thuế quý 2 vẫn tăng trưởng 35%, từ 1.123 tỷ lên 1.516 tỷ đồng -c hỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh lợi nhuận 1.643 tỷ đồng đạt được trong quý 1. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng 39%, từ 800 tỷ lên 1.113 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 922 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt lợi nhuận sau thuế là 2.517 tỷ đồng, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp cùng họ Viettel là Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (mã chứng khoán: CTR) báo lãi sau thuế đạt 103 tỷ đồng; tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý 2 đạt 1.072 đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CTR đạt 192 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. EPS nửa đầu năm đạt mức 2.032 đồng.
Tính đến tháng 7/2022, Viettel Construction đã trở thành TowerCo số 1 Việt Nam, sở hữu tổng số 3.325 trạm BTS, 1.87 triệu m2 DAS, 2.662km truyền dẫn và 16,87MWp năng lượng mặt trời. Tỷ lệ dùng chung các trạm BTS hiện nay đạt mức 1,03 (lũy kế 83 vị trí).
Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG), ban lãnh đạo cho biết nhờ khoản lãi từ dự án "Không gian sáng tạo CMC tại TP Hồ Chí Minh" mà doanh thu trong quý 2 năm nay tăng trưởng 31% so với cùng kỳ lên hơn 1.709 tỷ đồng. Khấu trừ đi các chi phí, CMG lãi sau thuế xấp xỉ 92 tỷ, tương ứng tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng các công ty tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ mới sẽ được hưởng lợi từ quá trình số hóa ngày càng tăng của Việt Nam. Cụ thể, FPT hay CTR có thể tận dụng việc cung cấp hạ tầng kết nối để tăng trưởng doanh thu; những doanh nghiệp như FPT còn được hưởng lợi từ tư vấn và triển khai DX cho khách hàng doanh nghiệp.
Nhìn chung, ngành viễn thông được dự báo là lĩnh vực giàu tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới khi nhu cầu đầu tư 5G, hạ tầng thông minh, Cloud…tăng mạnh. Đây cũng là nhóm ngành hấp dẫn giới đầu tư với tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định. Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, nhóm viễn thông không quá sôi động bởi đặc tính thanh khoản thấp cũng như không có quá nhiều doanh nghiệp để lựa chọn đầu tư.