Doanh nghiệp Đà Nẵng ‘đỏ mắt’ tìm lao động sau dịch COVID-19

13/10/2021 17:47
Những tháng cuối năm 2021, việc tăng cường nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19 được xem là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang lo lắng trong việc tuyển dụng do nguồn lao động thiếu hụt nghiêm trọng.

‘Đỏ mắt’ tìm lao động

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp Đà Nẵng bắt đầu trở lại hoạt động với hơn 100% công suất nhằm bù đắp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua. Đặc biệt, sau thời gian phải thu hẹp sản xuất để phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp phải gấp rút hoàn thành tiến độ để giao hàng cho đối tác trong, ngoài nước cho dịp cuối năm. Do đó, hàng loạt doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP. Đà Nẵng đăng thông tin tuyển dụng lao động, có đơn vị tuyển dụng lên đến hàng trăm lao động cùng một lúc.

Những ngày qua, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đăng tải thông tin tuyển dụng 500 công nhân với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Theo đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, hiện công ty có 904 lao động và đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng tình hình sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty có 68% người lao động đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2.

Hay tương tự, Công ty may mặc Whitex Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) cũng đăng tin cần tuyển gấp 50 công nhân may. Công ty này sẵn sàng trong việc đào tạo nếu lao động chưa có tay nghề.

Doanh nghiệp Đà Nẵng ‘đỏ mắt’ tìm lao động sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Gần 100 đơn vị doanh nghiệp ở Đà Nẵng đăng ký tuyển dụng với hơn 4.000 vị trí việc làm trống. Ảnh: Thành Vân.

 Không chỉ lao động phổ thông, nguồn lao động chất lượng cao hiện cũng đang khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp vất vả trong việc tuyển dụng. Các doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) cho hay, hiện công ty đã có trên 90% lao động đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Doanh nghiệp đang dần khôi phục hoạt động sản xuất.

“Hiện đơn vị đang gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ đơn hàng do chuyên gia không sang được Việt Nam và lao động chất lượng cao không vào được TP. Đà Nẵng. Việc tuyển dụng thêm lực lượng lao động chất lượng cao vào thời điểm này là thách thức không hề nhỏ”, ông Ciprian Bota cho biết.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là việc tuyển dụng nhận sự, điều chuyển nhân sự, chuyên gia đến Đà Nẵng hết sức khó khăn.

“Hiện nay, việc tuyển dụng tại Đà Nẵng cũng khó khăn do phải thông qua các kênh tư nhân. Do đó, mong muốn chính quyền hợp tác với kênh Chính phủ để thu hút nhân tài về với Đà Nẵng”, đại diện LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng nói.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, từ ngày 1/10 đến 12/10 trung tâm đã tiếp nhận 99 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 4.000 vị trí việc làm trống. Trong số này chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong ngành may mặc có nhu cầu tuyển lớn như: Công ty TNHH Max Planning Vina, Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A VIỆT NAM - mỗi công ty tuyển từ 200-300 lao động; Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services (Gia công, sản xuất bo mạch điện tử) tuyển dụng 154 lao động...

Doanh nghiệp Đà Nẵng ‘đỏ mắt’ tìm lao động sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

 Kết nối lao động với doanh nghiệp

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát kéo dài đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các mặt đời sống và xã hội, đặc biệt thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, với tốc độ tiêm chủng được bao phủ, dịch bệnh dần kiểm soát thì thị trường lao động có cơ hội để phục hồi nhất là giai đoạn mấy tháng cuối năm, sau một thời gian giãn cách, doanh nghiệp sẽ tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng trở lại.

Trao đổi với Nhadautu, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng cho biết, sau thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” để phòng chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”, hoạt động khoảng 30- 50% công suất hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận lao động mất việc làm phải rời khỏi thị trường lao động.

"Khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, một số doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất để bù đắp lại các đơn hàng đã bị trễ trước đó thì lại thiếu hụt lao động trầm trọng. Nguyên nhân là do người lao động đã về quê tránh dịch nên chưa kịp quay lại (hoặc có thể không quay lại…); hơn nữa, giao thông giữa các địa phương cũng chưa trở lại bình thường nên gây khó khăn cho người lao động trong vấn đề đi lại”, ông Diệp cho hay.

Theo ông Diệp, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng đến mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động. Tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây nguyên (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đaklak…) (tần suất 1phiên/tháng), riêng với Quảng Trị 2 phiên/ tháng. Phối hợp với các tỉnh thành nói trên để kết nối việc làm số lao động từ các tỉnh thành phía nam về quê tránh dịch phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, sự thiếu hụt lao động là do đợt dịch vừa qua đã có khoảng trên 20.000 lao động về quê tránh dịch và chỉ mới có một số ít quay trở lại làm việc. Hiện nhiều lao động chưa trở lại làm việc có các nguyên nhân từ gia đình, vấn đề thủ tục khi quay trở lại làm việc chưa được thuận lợi...

Theo ông An, sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã dần trở lại hoạt động, sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đăng ký tuyển dụng lại lao động với nhiều vị trí như: lao động phổ thông, nhân viên văn phòng, lập trình viên, công nhân…

“Hiện nay các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động mới để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở đã có các thông báo tuyển dụng cho các doanh nghiệp để kết nối với người lao động trên các trang web tuyển dụng của thành phố và tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của đơn vị, nhằm giúp người lao động sớm nắm bắt thông tin để tìm kiếm, lựa chọn việc làm thuận lợi hơn", ông An thông tin.

Tin mới

"Gà đẻ trứng vàng" của VinFast đến tay khách Indonesia, hãng xe Việt chạy nước rút bàn giao 80.000 chiếc
6 giờ trước
Mở rộng và thu hút tại nhiều thị trường cùng với kỷ lục về doanh số trong các tháng cho thấy VinFast đang bứt tốc cho mục tiêu 80.000 xe bàn giao cho khách hàng đến cuối năm nay.
Phụ phẩm tôm lâu nay toàn bỏ đi hóa ra giá trị cả tỷ USD
4 giờ trước
Với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, phụ phẩm tôm đem chế biến sâu sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần, mang về cả tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế hiện giá trị phụ phẩm tôm mang lại còn quá khiêm tốn, hiện 70% chỉ dành cho chăn nuôi.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
3 giờ trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam
2 giờ trước
Hiện tượng khác thường là giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân vì sao?
Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia
2 giờ trước
Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Vàng mã, túi nylon sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
57 phút trước
Theo Đại biểu Quốc hội, hành vi đốt mã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn vì vậy cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.
iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
44 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
2 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Người hút xì gà sẽ phải trả thuế tối đa 100.000 đồng/điếu
17 giờ trước
Tại dự thảo sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, lấy ý kiến trước khi thông qua, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.