Được biết, DN tại TP. Hồ Chí Minh mới thành lập có số vốn đăng ký lên tới 500 ngàn tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đây là số vốn rất lớn so với một DN mới thành lập, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay mà có một DN đăng ký mới với mức vốn rất lớn, nếu số vốn đó là thật thì theo tôi đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần xác minh lại, xem DN đăng ký có chính xác không, nếu chính xác thì nguồn gốc của số vốn ấy như thế nào?.
Năm 2020, cũng có một DN đăng ký thành lập mới với số vốn lên tới 144 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên sau 90 ngày các cá nhân thành lập pháp nhân đã hủy đăng ký DN. Vậy chúng ta có cách nào để tránh hiện tượng tương tự không tái diễn, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Hiện Luật DN cho phép các cổ đông sáng lập công ty có quyền tự do đăng ký vốn góp khi thành lập DN. Vì thế, họ đăng ký bao nhiêu đó là quyền của mỗi DN, còn việc góp đủ hay không sẽ được cơ quan chức năng hậu kiểm. Theo đó, trong thời hạn 90 ngày sau khi thành lập pháp nhân, các cổ đông không góp vốn đúng cam kết, DN sẽ phải giảm vốn điều lệ, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ngoài DN đăng ký số vốn lớn nêu trên thì 5 tháng đầu năm 2021 cả nước cũng ghi nhận số DN đăng ký thành lập mới tăng 15,4% và số vốn đăng ký của các DN thành lập mới tăng đến gần 40% so với cùng kỳ năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?.
Nhìn vào số DN thành lập mới và số vốn đăng ký của các DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2021 tôi nhận thấy có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chúng ta chưa vội mừng, bởi bên cạnh số DN thành lập mới và số vốn đăng ký mới tăng mạnh thì số DN dừng hoạt động, giải thể trong 5 tháng đầu năm cũng tăng không ít.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, có tới 59,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, cộng đồng DN trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn |
Vậy theo ông, thời gian tới chúng ta cần có những chính sách như thế nào để tháo gỡ khó khăn cho DN?
Thời gian qua, Chính phủ và bộ, ngành trung ương, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Cụ thể, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ DN lần 1 và đang nghiên cứu đến gói hỗ trợ lần 2. Ngoài ra, những giải pháp đã được tiến hành từ các ngân hàng thì giảm lãi suất cho vay, Bộ Tài Chính thì hoãn, giãn thuế, Bộ Công Thương cũng có những giải pháp hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm… Rồi một số DN lớn như Vienam Airlines cũng có gói cứu trợ, tuy nhiên để các chính sách hỗ trợ DN tới đây được hiệu quả hơn, theo tôi chúng ta cần phân loại các khó khăn của từng đối tượng DN để có cách hỗ trợ phù hợp.
Ví dụ, đối với DN trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch thì hỗ trợ như thế nào, đối với DN xuất khẩu nông sản thì hỗ trợ ra sao,… bởi các DN hiện nay rất đa dạng và những khó khăn họ gặp phải là không giống nhau, nên một chính sách khó mà có thể áp dụng cho tất cả các DN đạt hiệu quả. Song muốn có nhiều chính sách cho nhiều đối tượng DN thì các bộ, ngành, địa phương phải ngồi lại với nhau và tìm ra phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho từng DN.
Xin cảm ơn ông!