Doanh thu giảm
Dệt may là một trong 9 ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam và được kỳ vọng sẽ cán đích xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến các nhà máy sản xuất buộc phải đóng cửa, không ít doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước nguy cơ mất đơn hàng.
Đơn cử như, Tổng công ty May 10 thực hiện sản xuất đảm bảo giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hơn 1 tháng nay, số lượng công nhân lại thiếu hụt khoảng 10%, thế nên các đơn hàng xuất khẩu trong quý 3 sang Mỹ và các nước châu Âu bị chậm tiến độ khoảng hai tuần.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì rất khó để doanh nghiệp có thể hoàn thành được đơn hàng xuất khẩu trong quý III, quý IV. Do ảnh hưởng của dịch nên cứ có ca F0 thì doanh nghiệp lại đóng cửa đóng cửa, còn duy trì 3 tại chỗ cũng chỉ ở mức 30 - 50% số lượng công nhân. “Với tình hình này, khả năng doanh nghiệp khó đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Còn tại các tỉnh phía Nam, dịch diễn biến phức tạp kéo doanh thu nhiều doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh, nhất là kể từ tháng 6 trở lại đây. Cụ thể, công bố mới đây của Công ty Dệt may Thành Công cho thấy, doanh thu tháng 8 của đơn vị này chỉ đạt 10,5 triệu USD (238 tỷ đồng), giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 282.425 USD (6,4 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (tương đương 22,7 tỷ đồng). Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên doanh nghiệp lỗ kể từ khi công khai lợi nhuận tháng.
Lũy kế 8 tháng, doanh thu của doanh nghiệp đạt 106 triệu USD (2.406 tỷ đồng), cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (124 tỷ đồng), giảm 24,4% và thực hiện 44,4% kế hoạch năm.
Theo đại diện doanh nghiệp, nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh là do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch. Trong khi đó, chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lỗ sau thuế.
Tương tự, Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) ghi nhận khoản lỗ sau thuế nửa đầu năm nay là 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 16,5 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của May Nhà Bè đến cuối kỳ là gần 866 tỷ đồng, tăng hơn 21%, trong đó, nguyên vật liệu là gần 305 tỷ đồng.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, 4 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021, khả năng cả năm nay ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 – 34 tỷ USD.
Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có kiến nghị Nhà nước tiếp tục khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng. Đồng thời, cho phép các khu công nghiệp, doanh nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động tại các địa phương, các vùng không có nguy cơ cao được quay trở lại hoạt động theo điều kiện “bình thường mới”.
Theo ông Trương Văn Cẩm cần thống nhất giữa các địa phương về quy định kiểm tra và phân luồng giao thông để hàng hóa xuất nhập khẩu, nguyên liệu cho sản xuất, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân không bị tình trạng thông thoáng ở địa phương này nhưng ách tắc ở địa phương khác.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng kiến nghị cắt giảm các chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cụ thể, đề nghị TP Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. TP Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển tối thiểu đến 30/6/2022.
Trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035”. Bởi vì, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, trong đó có dệt may, mở rộng thị trường xuất khẩu với thuế suất giảm dần về 0%. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, ví dụ “từ sợi trở đi” đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Chúng tôi mong muốn chiến lược sẽ định hướng hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung thu hút các dự án dệt nhuộm có công nghệ hiện đại. Nếu Việt Nam không sản xuất được nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu xuất xứ, ngành dệt may sẽ không được hưởng lợi ích từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp, kém hiệu quả”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 8 tháng ước đạt 16,2 tỷ USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trị giá xuất siêu trong 8 tháng của ngành đạt 9,73 tỷ USD.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.