Hàng trăm doanh nghiệp dệt may gặp khó
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, sản xuất tại Đồng Nai, nhất là ngành dệt may. Những ảnh hưởng nghiêm trọng này khiến cho khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực dệt may phải cố gắng cầm chừng, chờ hết dịch Covid-19.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn cố gắng cầm cự qua dịch
Ghi nhận thực tế, thị trường cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may Đồng Nai chủ yếu là Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á. Tuy nhiên, hiện hầu hết các nước này đang bị ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp dệt may không nhập được nguyên liệu nên chỉ hoạt động duy trì cầm chừng, có khả năng phải dừng hoạt động, nếu tình hình căng thẳng kéo dài đến hết quý II. Trong khi đó, nguồn hàng xuất khẩu cũng gặp khó khăn, vì Đồng Nai phụ thuộc vào 2 thị trường nhập khẩu sản phẩm dệt may lớn của Đồng Nai là Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng hiện tại hai thị trường lớn này cũng đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoành hành, hạn chế nhập khẩu.
Trong quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Đồng Nai đạt gần 458 triệu USD, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Và bước sang quý II dường như ngành dệt may càng gặp khó khăn hơn nữa. Đây được xác định là khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may Đồng Nai trong suốt hàng chục năm qua. Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đưa ra các phương án để tháo gỡ, cố duy trì sản xuất kinh doanh, chờ phục hồi khi hết dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp dệt may cố gắng đảm bảo ổn định công việc cho người lao động
Tìm phương án để duy trì chờ hết dịch
Bà Mai Thúy An, Giám đốc Công ty may mặc Minh Anh cho biết: Từ trước đến nay, công ty của bà chuyên sản xuất các loại đồng phục theo đơn đặt hàng của các trường học, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị tạm ngưng hoặc kéo dài thời gian nhận hàng, gây nhiều khó khăn cho công ty. Để duy trì sản xuất và đảm bảo thu nhập cho người lao động, công ty chuyển qua may khẩu trang, quần áo bảo hộ để đáp ứng phục vụ nhu cầu thực tế hiện nay. Cũng nhờ vậy nên duy trì được sản xuất, công nhân vẫn có thu nhập dù thấp hơn thời điểm bình thường. “Chuyển đổi sản xuất cũng chỉ là cách làm để gỡ rối lúc khó khăn chứ lâu dài thì không được. Vì vậy tôi mong muốn dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi càng sớm càng tốt để các doanh nghiệp và các thị trường xuất, nhập khẩu có thể trở lại hoạt động ổn định trở lại”, bà An mong muốn.
Doanh nghiệp chuyển hướng sang may khẩu trang để nhập nội địa hoặc xuất khẩu
Còn ông Hoàng Quốc Hưng, Giám đốc Công ty dệt may Hưng Phát tại Đồng Nai nói rằng, các doanh nghiệp dệt may ở Đồng Nai đa số sản xuất mặt hàng thời trang để xuất khẩu. Khi dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, khó kiểm soát nên nhiều nước đóng cửa các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng dẫn đến giảm nhu cầu mua sắm,… Vì vậy các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải thông báo tạm dừng nhận hàng may mặc từ Đồng Nai chờ ổn định lại khiến doanh nghiệp rơi vào thảm kịch. “Nếu ngừng sản xuất thì tất cả lao động của chúng tôi sẽ mất việc làm nhưng sản xuất theo phương thức cũ thì khá khăn khó. Nên trước mắt để duy trì công ty chúng tôi buộc cho ngưng một số xưởng, phân công nhân công làm theo ca, giảm giờ làm để đáp ứng đủ ai cũng có việc làm, đủ trang trải cuộc sống. Hiện thu nhập của công nhân không được như trước vì doanh nghiệp bị hạn chế nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo đủ sống ổn định qua dịch Covid-19”, ông Hưng nói.
Ngoài các doanh nghiệp trên cũng rất nhiều doanh nghiệp khác chuyển hướng từ may mặc quần áo thời trang sang may khẩu trang vải, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ xuất khẩu sang các nước khác. Bởi đây là mặt hàng mà hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có nhu cầu rất lớn về những mặt hàng này trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng.
Khẩu trang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm phương án để duy trì sản xuất, đảm bảo cuộc sống cho người lao động
Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai hiện cũng đã chuyển sang sản xuất vải không dệt để may khẩu trang và quần áo bảo hộ xuất khẩu sang các nước Châu Á và Châu Âu. “Nhu cầu quần áo thời trang không còn nhưng nhu cầu về khẩu trang và đồ bảo hộ phòng dịch cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu lại tăng. Nhờ vậy hiện đầu ra của các sản phẩm bảo vệ thời điểm Covid-19 này cũng khá ổn định thuận lợi. Đảm bảo được việc làm và thu nhập cho hơn 4.000 lao động tại công ty”, đại diện công ty cho biết.
Chia sẻ với báo chí, ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý Thương mại thuộc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hầu hết các công ty dệt may tại Đồng Nai đều chuyển qua may khẩu trang, đồ bảo hộ để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Nhờ chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng thiết yếu, đúng nhu cầu thực tế đang cần nên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong quý I-2020 chỉ giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy nếu để lâu dài vẫn khó ổn định nên mong muốn dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam ông Lê Tiến Trường nói rằng, hiện tại vẫn chưa ai dự đoán được thời điểm hết dịch tuy nhiên nếu được khống chế trong thời điểm cuối tháng 5/2020, thì ngành dệt may bị thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Còn nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa thì mức độ thiệt hại càng cao và nhiều doanh nghiệp khó trụ vững. |