Năm 2021 được nhận định là năm đầy khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, tăng trưởng âm 9,8% năm 2020 khiến ngành dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo.
Tuy nhiên với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Vượt qua Bangladesh, năm 2021, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Trên sàn niêm yết các doanh nghiệp dệt may cũng đã đồng loạt công bố kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong năm 2021.
Về doanh thu, dẫn đầu ngành thuộc về ông lớn Vinatex (VGT) khi đạt doanh thu 16.094 tỷ đồng tăng gần 16% so với năm 2020. Tiếp đó các doanh nghiệp dệt may ở khu vực phía Bắc như May Sông Hồng (MSH), TNG, Gilimex, Dệt may Hoà Thọ ...đều đạt mức tăng trưởng về doanh thu 2 con số.
Ở chiều ngược lại đa phần các doanh nghiệp phía Nam như May Việt Tiến, May Nhà Bè, may Phong Phú, Garmex Sài Gòn - do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội khiến doanh thu sụt giảm.
Ông lớn Vinatex (VGT) lãi cao ngoạn mục, nhiều doanh nghiệp cán đích ngoạn mục nhờ quý 4
Nổi bật nhất trong nhóm dệt may là ông lớn Vinatex, riêng quý 4 Vinatex báo lãi trước thuế gần 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 441 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với số lãi 151 tỷ đồng đạt được quý 4/2020. Vinatex cho biết quý 4 hàng năm thường có kết quả kinh doanh tốt nhất so với các quý còn lại do lượng xuất hàng hóa tăng đột biến vào tháng 11,12.
Lũy kế cả năm 2021 doanh thu Vinatex lãi sau thuế 1.313 tỷ đồng, tăng trưởng 134% so với số lãi hơn 560 tỷ đồng đạt được năm 2020.
Trong một chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc Vinatex gọi 2021 là năm "chưa từng có trong lịch sử", khi chưa bao giờ một loạt các đơn vị chủ lực của tập đoàn, trong đó có May Việt Tiến có lúc phải cho 94% (34.000 lao động) nghỉ việc, rồi một loạt doanh nghiệp phải dừng sản xuất do các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội vì dịch.
Một doanh nghiệp khác tại phía Bắc là May Sông Hồng (MSH) cũng đã lãi tốt trong quý 4. Nhờ tiết kiệm chi phí mà lợi nhuận sau thuế hơn 107 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế tăng 91% lên 442 tỷ đồng.
Hay Đầu tư và thương mại TNG, riêng quý 4/2021 TNG đạt hơn 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 175% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt gần 233 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020.
Lãi tăng cao nhất trong nhóm này phải kể đến Mirae (KMR), Hanosimex (HSM) và Dệt may Hoà Thọ (HTG) với mức lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần.
Cụ thể, kết thúc năm 2021 KMR lãi hơn 18 tỷ đồng cao gấp 100 lần năm 2020. Hanosimex (HSM) cũng báo lãi quý 4 cao kỷ lục 34 tỷ đồng, LNST cả năm 2021 gấp hơn 9 lần lên gần 62 tỷ đồng.
Dệt May Hoà Thọ (HTG) lãi quý 4 gần 100 tỷ đồng nâng luỹ kế cả năm 2021 lên tới 201 tỷ đồng - tăng 224% so với năm 2020.
Ở chiều ngược lại ghi nhận tình hình kinh doanh kém khả quan của May Việt Tiến, luỹ kế cả năm 2021, May Việt Tiến (VGG) lãi trước thuế 103 tỷ đồng giảm 43% so với năm 2020 và hoàn thành được 57% chỉ tiêu. Theo giải trình từ phía công ty, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19 làm cho lao động biến động nhiều, dẫn đến năng suất lao động giảm, từ đó làm doanh thu và một số khoản thu thu nhập tài chính giảm.
Cá biệt có trường hợp của May Nhà Bè, mặc dù báo lãi quý 4 lãi cao gấp 3,5 lần cùng kỳ nhưng cả năm 2021 vẫn lỗ ròng hơn nửa tỷ đồng
Kết quả kinh doanh mà các doanh nghiệp dệt may đạt được trong quý 4 và cả năm 2021 được nhìn nhận là rất ngoạn mục, là cú "lội ngược dòng" trong điều kiện kinh tế - xã hội ở giai đoạn hết sức khó khăn do đại dịch. Đa phần các doanh nghiệp dệt may đều hoàn thành vượt kế hoạch thậm chí như HTG và HSM còn vượt tới 168% và 107% kế hoạch.
Triển vọng lạc quan 2022
Nếu xét trong cả giai đoạn 2011 - 2021 thì nhiều doanh nghiệp còn có mức lợi nhuận đạt đỉnh trong lịch sử hoạt động. Kết quả này sẽ là tiền đề để ngành dệt may tự tin xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2022.
Trong năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Vitas đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu năm 2022 theo 3 kịch bản, với giá trị kim ngạch xuất khẩu mức thấp nhất là 38-39 tỷ USD và mức cao nhất là 42,5-43,5 tỷ USD.
Theo đó, ở kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD.
Ở kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỷ USD.
Ngay tháng đầu năm các doanh nghiệp dệt may cũng đã phát đi tín hiệu tích cực khi Dệt may TNG ghi nhận doanh thu kỷ lục 5 năm ngay trong tháng 1/2022, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ; Dệt may Thành Công (TCM) cũng báo lãi tháng 1/2022 đạt 25 tỷ đồng tăng 73% so với tháng 12/2021