Những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển cực kỳ ấn tượng, nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh năng lượng chung của Việt Nam, và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, riêng điện gió, điện mặt trời, mấy năm trước từ chỗ chỉ sản xuất được có mấy trăm MW/năm thì đến nay sản lượng đã đạt trên 17.000MW. Đóng vai trò lớn trong thành công của ngành năng lượng tái tạo là sức bật từ chính sách của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã khiến nguồn cung dư thừa (quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu công suất nguồn điện mặt trời năm 2020 là 850 MW và 1.200 MW tới 2030, nhưng thực tế đến nay công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã gấp gần 20 lần quy hoạch), phải cắt giảm sản lượng.
Ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết tại Tọa đàm "Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?": "Tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng".
Ông Hồ nhấn mạnh, thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất của nhà máy là vô cùng lớn. Bởi nguồn vốn để triển khai dự án của công ty chủ yếu là từ vốn vay ngân hàng. Việc bán điện "phập phù" như hiện tại sẽ gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như doanh thu của doanh nghiệp. Hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thu hồi vốn cũng như khả năng chi trả các khoản lãi vay cho ngân hàng.
Thậm chí, có những doanh nghiệp phải lấy tiền từ các dự án khác bù vào để trả nợ cho ngân hàng. Điều này làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch về nguồn vốn và các dự án tiếp theo của công ty.
"Nói thật, hỏi chúng tôi phải giải bài toán tài chính thế nào thì chúng tôi cũng không trả lời được. Vì khi đầu tư các nhà máy điện mặt trời, thì nguồn thu của chúng tôi chính là việc bán điện. Hiện chúng tôi chỉ mong muốn các cấp quản lý làm thế nào để giải được bài toán chạy hết công suất", ông Hồ nói.
Khi được hỏi cụ thể về số tiền phải bù lỗ, cũng như những thiệt hại kinh tế khác, ông Hồ khẳng định: "Con số thiệt hại vô cùng lớn, nó không chỉ là tiền, mà còn những vấn đề khác".
Theo ông Hồ, hiện nay, vì sự an toàn chung của hệ thống truyền tải điện, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận việc bị cắt giảm. Nhưng nếu như tình trạng này vẫn tiếp tục thì sẽ rất khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Việc cắt giảm không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người lao động. "Nếu tình hình cứ kéo dài, những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phá sản", ông Hồ cho hay.
Sau khi lắng nghe những trăn trở của các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, tỷ lệ công suất cắt giảm này không phải trong một khoảng thời gian liên tục mà chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, trong những thời gian cao điểm, phụ thuộc vào từng ngành.
"Thực tế, tổng sản lượng điện cắt giảm chỉ khoảng dưới 11%, chứ không phải cắt giảm liên tục 30-50%. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền rất lưu tâm để đảm bảo thời gian trả nợ cũng như lợi nhuận của nhà đầu tư" – Ông Hùng nói thêm.
Bên cạnh đó, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc có nên để doanh nghiệp điện mặt trời bán trực tiếp hay không. Đại diện Bộ Công thương thông tin, hiện nay đang nghiên cứu những chính sách liên quan đến việc mua bán điện trực tiếp giữa các nhà đầu tư và hộ tiêu dùng (gọi tắt là DPPA) nhằm thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã giao cho Cục Điều tiết Điện lực – cơ quan tham mưu dự thảo thông tư và đang trong quá trình lấy ý kiến từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức, địa phương liên quan.
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ cũng đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách về cơ chế chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Cùng với đó là việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng tái tạo phân tán nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân...
Tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy BESS…) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực.
Đồng tình với những ý kiến của ông Hùng, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nói thêm: Tôi đánh giá cao đề xuất này. Qua đó, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện trong thời gian tới, cùng với cả thị trường điện truyền thống. Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là xu thế hiện nay là nhu cầu điện đối với hộ tiêu thụ điện lớn là môi trường trong hội nhập quốc tế, nhu cầu mua bán điện trực tiếp cũng sẽ đưa được các yếu tố thị trường, cạnh tranh vào đây".