Một số ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn nếu để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ, thậm chí có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu?
Lý giải về việc đề xuất để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dấu, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu để doanh nghiệp định giá bán lẻ, giá bán xăng dầu sẽ do cung cầu quyết định và sẽ phụ thuộc mức độ cạnh tranh của thị trường, thị trường có cạnh tranh cao thì giá bán sẽ sát với chi phí. Nhiệm vụ của Nhà nước là duy trì sự cạnh tranh này:
"Nhà nước vẫn có nhiều hình thức để kiểm soát yếu tố này, kiểm soát bằng hình thức doanh nghiệp khi tăng giá, định giá thì vẫn phải có báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước và Nhà nước vẫn thực hiện các trường hợp hậu kiểm.
Tức là mặt hàng xăng dầu vẫn thực hiện điều chỉnh theo Luật Giá, nhưng cách thức thực hiện thay vì chúng ta cứng nhắc ấn định giá bán lẻ thì có thể kiểm soát bằng các hình thức khác. Hiện nay khá nhiều mặt hàng trên thị trường Nhà nước quản lý theo cách này".
(Ảnh minh họa: VnBusiness)
Lãnh đạo VCCI cũng cho rằng, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá và giá bán sẽ cao hơn chi phí, có thể thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu vi phạm.
Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN cho rằng việc để doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu là phù hợp, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp như thời gian qua, các phát sinh chi phí chỉ được tính vào giá bán xăng dầu 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, khiến doanh nghiệp chịu thiệt, bởi công thức tính giá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp xăng dầu vô hình trung khiến một số doanh nghiệp lợi lớn, nhưng cũng khiến số doanh nghiệp khác chịu lỗ.
Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự tính giá bán lẻ, với công thức tính giá của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể căn cứ trên các chi phí của mình để đưa giá ra bán lẻ:
"Cùng là cộng vào trong công thức do Nhà nước quy định giá, có doanh nghiệp thì chi phí của người ta thấp, cộng các cái đấy bình quân lại với nhau, thế thì có doanh nghiệp lãi hơn, bởi vì cái bình quân đó cao hơn chi phí thực của người ta, nhưng ngược lại cũng có doanh nghiệp lại bị lỗ đi do chi phí bình quân ấy lại thấp hơn chi phí thật của người ta. Thế thì cũng là công thức đấy là Nhà nước quy định, thì bây giờ để doanh nghiệp đưa thẳng vào công thức đấy, có nghĩa là mỗi doanh nghiệp có cái giá của nó".
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN) cũng cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và thông dụng nên cần được vận hành một cách hợp lý, từ đó việc để doanh nghiệp tự quyết định chi phí và giá bán lẻ là hợp lý. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, để vận hành theo cơ chế đó vào thời điểm này là khó:
"Để ra được cái đấy vào thời điểm này chắc là khó, bởi vì nó còn kéo theo rất nhiều điều nữa và để nghị định chỉ sửa một điều ấy thì nó cũng không hợp lý. Vấn đề là Bộ Công thương đưa ra những nguyên nhân ách tắc thị trường vừa qua và giải pháp nó chưa đúng. Đâu phải những nguyên nhân đó, cái chính là doanh nghiệp kinh doanh người ta không có lợi nhuận".
Ở góc độ khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu cần được xem xét cẩn trọng.
Theo PGS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta có thể cho phép các doanh nghiệp tự kinh doanh khi chúng ta xác định được các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh và Nhà nước phải khống chế được giá bán lẻ tối đa của mặt hàng này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng:
"Có thể cho doanh nghiệp tự định giá dưới mức quy định của Nhà nước, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể phấn đấu tự giảm các chi phí trong việc quản lý, kinh doanh mặt hàng xăng dầu này để hạ giá bán mặt hàng xăng dầu cho người tiêu dùng thì có thể chấp nhận được".
Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện cả nước có 2 doanh nghiệp xăng dầu lớn là PVOil và Petrolimex – những doanh nghiệp nắm thị phần khống chế. Nếu để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu dễ dẫn đến tình trạng độc quyền và làm giá.
Do vậy, việc Nhà nước xác định một mức giá chung khống chế và yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu sản xuất, kinh doanh với mặt hàng này là cần thiết./.